Loài cá sấu cổ đại đi bằng 2 chân sau như khủng long ăn thịt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cá sấu là một trong số những loài động vật xuất hiện sớm nhất trên Trái đất. Sau khi phân tích hóa thạch hơn 100 triệu năm, các nhà khoa học phát hiện một trong những tổ tiên của cá sấu có cách di chuyển dị biệt.
Loài cá sấu cổ đại từng di chuyển chỉ bằng 2 chân giống với một số loài khủng long ăn thịt. Ảnh minh họa: Jorge Gonzales
Loài cá sấu cổ đại từng di chuyển chỉ bằng 2 chân giống với một số loài khủng long ăn thịt. Ảnh minh họa: Jorge Gonzales
Tờ News.com.au hôm 12/6 đưa tin, cá sấu cổ đại từng di chuyển chỉ bằng 2 chân (giống một số loài khủng long ăn thịt) tại khu vực mà ngày nay là Hàn Quốc.
Điều này được một nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khoa học Úc, phát hiện sau khi phân tích dấu chân hóa thạch có niên đại cách đây 110-120 triệu năm.
Ban đầu, các dấu chân hóa thạch được cho là thuộc về loài thằn lằn bay cổ đại Pterosaur (Dực long), tổ tiên của loài chim hiện đại.
Nhưng các nhà nghiên cứu mới đây cho biết các dấu chân hóa thạch này thuộc về loài cá sấu cổ đại dài khoảng 3-4 mét, đi bằng 2 chân sau và cao bằng chiều cao trung bình của một người trưởng thành. Loài cá sấu cổ đại này tạo ra dấu chân dài 24 cm.
"Có lúc, các dấu chân được cho là thuộc về loài thằn lằn bay với 2 chân khổng lồ nhưng giờ đây, chúng tôi dã xác định được chúng là của loài cá sấu cổ đại 2 chân. Chúng tôi chỉ tìm thấy dấu chân sau mà không phát hiện dấu chân trước của chúng", Tiến sĩ Anthony Romilio, đồng tác gia nghiên cứu kiêm nhà nghiên cứu sinh vật học của Đại học Queensland (Úc), cho hay.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi giáo sư Kyung Soo Kim, tới từ Đại học giáo dục quốc gia Chinju (Hàn Quốc), đã tìm ra nguyên nhân vì sao chỉ phát hiện dấu chân sau của loài cá sấu cổ đại.
"Cá sấu thông thường di chuyển với tư thế ngồi xổm (Squat) và tạo ra những lối đi khá rộng. Nhưng kỳ lạ, lối đi mà chúng tôi tìm thấy lại khá hẹp, giống như một con cá sấu đang giữ thăng bằng trên dây.
Cộng thêm việc không có dấu vết của phần đuôi kéo lê dưới đất, các nhà khoa học kết luận sinh vật này di chuyển bằng 2 chân sau. Chúng di chuyển giống với cách mà nhiều loài khủng long, nhất là các loài ăn thịt, sử dụng. Nhưng các dấu chân này không phải của khủng long", giáo sư Kim nhận định.
Hóa thạch cá sấu cổ đại rất hiếm thấy ở khu vực châu Á. Ảnh minh họa: National Geographic
Hóa thạch cá sấu cổ đại rất hiếm thấy ở khu vực châu Á. Ảnh minh họa: National Geographic
Tiến sĩ Romilio cho biết dấu vết cá sấu cổ đại hóa thạch rất hiếm thấy ở châu Á. "Vì vậy, việc tìm thấy gần 100 dấu chân là phát hiện phi thường", tiến sĩ Romilio nói.
Phát hiện đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Theo Nguyễn Thái - News.com.au/NLĐO

Có thể bạn quan tâm