Lên biên giới với anh em Biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Y hẹn với anh Bùi Viết Hội-Bí thư Huyện ủy, chúng tôi có mặt ở Chư Prông. Hôm ấy là một ngày sau mấy cơn mưa đầu mùa, khí hậu khá dễ chịu, rừng rẫy, ruộng vườn của người dân đều tươi xanh hẳn ra. Nói chuyện với chúng tôi, Bí thư Hội và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Đình Hạnh cho hay, công việc từ đầu năm đến giờ, huyện đã có báo cáo đánh giá khá đầy đủ bằng văn bản, các anh tham khảo nó, giờ thì mời các anh lên biên giới với anh em Biên phòng đã, trên đường đi có gì chúng ta cùng trao đổi.

Vâng, chúng tôi lên đường. Từ trung tâm huyện lỵ Chư Prông đến Đồn Biên phòng Ia Púch (đơn vị kết nghĩa với Báo Gia Lai), chừng hơn 30 cây số, đường tốt. Chưa đầy 40 phút, với bác tài của nhà, rất quen lối, chúng tôi đã có mặt ở nơi cần đến. Anh Hạnh giới thiệu chúng tôi với các cán bộ của Đồn, thì ra họ đã chưa quên người viết bài này. Cũng chẳng phải làm việc, nghe, nắm tình hình gì, nhưng câu chuyện cứ lại xoay vào công việc. Là, biên giới, mười mấy cây số do Đồn phụ trách, quản lý, canh giữ, bảo đảm an ninh chính trị của địa bàn. Rồi chuyện về sự quan tâm của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, khi đang đầu tư xây dựng lại doanh trại khang trang hơn, nhưng hiện thời thì còn bề bộn lắm. Khó khăn nhất là nước sinh hoạt, đã mấy lần thuê người khoan giếng, nhưng đều thất bại, thậm chí khoan hàng trăm mét vẫn không có nước, hoặc nước đục ngầu mùi vôi nồng nặc, không thể sử dụng cho sinh hoạt...

 

Đồn Biên phòng Ia Púch đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đ.M.P
Đồn Biên phòng Ia Púch đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Đ.M.P

Khác với cách đây vài năm, xã Ia Púch, nơi Đồn đứng chân giờ đã có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, đời sống bà con được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị yên ổn, nạn lâm tặc đã không còn. Mấy năm trước do tỉnh có chủ trương cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu phụ ở đây, nên lâm tặc lợi dụng việc này khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Dọc theo tỉnh lộ 663, thay vào bạt ngàn những cánh rừng khộp xưa, giờ là những cánh rừng cao su ba, bốn năm tuổi, sắp đến kỳ khai thác mủ, giá mủ cao su cũng đã tăng dần sau một “chu kỳ” lao dốc. Chuyện về chuyển rừng khộp, rừng nghèo sang trồng cao su, cho tới giờ dư âm, dư luận vẫn còn chưa hết; sự lợi, hại về môi trường, sự đánh đổi rừng tự nhiên với cây cao su có thể là câu chuyện không có hồi kết. Nhưng cái lợi trước mắt mà ai cũng thấy là người lao động trong và ngoài xã Ia Púch đã có thêm việc làm, thu nhập, đường sá được đầu tư, nâng cấp; bộ mặt nông thôn ở đây ngày thêm đổi mới.

Nói về Đồn Biên phòng Ia Púch, nhiều người nghĩ ngay đến chuyện họ luôn làm tốt công tác bám, nắm dân, sát dân, cử các tổ, nhóm, đội công tác gồm những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm thường xuyên tuần tra biên giới và các điểm được coi là “nóng” về an ninh nông thôn, cùng với đó là việc giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng thôn, làng; tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ an ninh biên giới, làm nhiệm vụ đối ngoại biên phòng, biên phòng nhân dân. Do đó, được biết tình hình mọi mặt của xã biên giới Ia Púch luôn ổn định; tình nghĩa quân dân gắn bó.

Đồn Ia Púch là đơn vị kết nghĩa với cơ quan Báo Gia Lai đã từ khá lâu, sự kết nghĩa này dù đã trải qua nhiều “đời” lãnh đạo, chỉ huy, tuy thế luôn được các anh ở Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cũng như Chỉ huy của Đồn đánh giá là hiệu quả. Hàng năm, vào các dịp Tết, nhất là các ngày lễ, ngày kỷ niệm, đôi bên đều tổ chức thăm hỏi, giao lưu thể thao, chia sẻ, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua Đồn, Báo Gia Lai làm đầu mối kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài địa phương tham gia làm công tác xã hội, từ thiện, giúp bà con dân tộc Jrai trong việc khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà... Việc làm ấy luôn được chính quyền địa phương xã Ia Púch ghi nhận. Hơn thế, đã không ít lần Bí thư Huyện ủy Bùi Viết Hội nói chuyện với tôi, khi tôi còn là cấp ủy viên tỉnh được phân công cùng một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Chư Prông, rằng mô hình kết nghĩa này là rất hiệu quả, cần phát huy, nhân rộng.

Trong bữa cơm trưa đạm bạc cùng với cán bộ, chiến sĩ của Đồn, những câu chuyện chân thành, cởi mở giữa chúng tôi và anh Hạnh-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Prông với Chính trị viên đồn Phạm Hữu Tàm, Đồn phó Nguyễn Văn Ngọ cứ dài ra mãi. Các anh chia sẻ những điều đã làm và không quên nhắc đến những đồng đội, đồng cấp của mình đã gầy dựng trước đó; điều mà ngày nay, sau gần 23 năm thành lập Đồn, các anh là những người tiếp nối, phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Từ đó cùng chính quyền địa phương và bà con các dân tộc nơi đây bảo đảm gìn giữ yên bình cho một vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc này.

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.