Lê Văn Trường và hành trình chinh phục “cú đúp” thủ khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ một cậu bé mồ côi mẹ và trưởng thành từ trường làng, Lê Văn Trường (SN 2001, trú tại thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã không ngừng nỗ lực để chinh phục “cú đúp” thủ khoa tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học năm 2019 và tốt nghiệp ĐH trong sự ngưỡng mộ của nhiều người.
Lê Văn Trường đại diện cho học viên toàn khóa 2019-2024 hôn lên hồng kỳ tại lễ tốt nghiệp (ảnh nhân vật cung cấp).

Lê Văn Trường đại diện cho học viên toàn khóa 2019-2024 hôn lên hồng kỳ tại lễ tốt nghiệp (ảnh nhân vật cung cấp).

Món quà tặng mẹ

Lê Văn Trường sinh ra trong gia đình làm nông nghèo ở xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Cha mẹ Trường làm việc quần quật sớm hôm với những mảnh vườn cao su, cà phê để nuôi gia đình có 4 miệng ăn. Thương cha mẹ, sau mỗi giờ học, Trường tranh thủ phụ giúp việc nhà. Những khi vào mùa cạo mủ cao su, cậu dậy từ sớm để cùng cha mẹ làm việc cho đến giờ đi học.

Ông Lê Văn Hạnh-cha của Trường-bùi ngùi chia sẻ: “Khi ấy, cuộc sống gia đình gặp vô vàn khó khăn. Biết các con thiệt thòi nhưng vợ chồng tôi cũng dặn lòng phải cố gắng hơn để cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Ngay từ bé, Trường và chị gái đều rất chăm chỉ học hành, lại thường xuyên đỡ đần cha mẹ”.

Lớn lên từ trong gian khó, Trường luôn nuôi ước mơ sẽ dùng con chữ để thay đổi cuộc sống. Suốt 12 năm học, Trường đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và là một trong những học sinh xuất sắc nhất của ngôi trường mình theo học. Nhờ thành tích học tập nổi bật cũng như ý thức rèn luyện, Trường đã vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Lê Văn Trường nhận bằng tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa tại Trường Sĩ quan Chính trị khóa học 2019-2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Lê Văn Trường nhận bằng tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa tại Trường Sĩ quan Chính trị khóa học 2019-2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên, năm học lớp 12, biến cố đã ập đến với gia đình em. Đó là một buổi chập choạng tối, mẹ của Trường đi làm về gần đến nhà thì bị tai nạn giao thông. Sau thời gian ngắn điều trị thì mẹ qua đời. “Đã có lúc, em muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố, lo cho gia đình. Nhưng nhớ lại lời hứa với mẹ và với tình yêu đặc biệt dành cho màu áo lính, em quyết định tiếp tục hành trình theo đuổi ước mơ và thi vào đại học”-Trường trải lòng.

Năm 2019, Trường thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), trở thành thủ khoa khối C miền Nam của trường với 27,75 điểm. Điểm số này cũng giúp Trường trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Gia Lai. “Lúc ấy, em rất bất ngờ. Em nghĩ rằng chỉ đậu vào ngôi Trường Sĩ quan Chính trị mơ ước, còn về kết quả thủ khoa là ngoài sức mong đợi. Em muốn dành tặng món quà ấy cho mẹ”-Trường bồi hồi.

Một trong những người hạnh phúc nhất khi biết kết quả ấy là ông Hạnh. Ông bày tỏ: “Tôi rất tự hào về con trai. Dù mẹ mất trong thời điểm quan trọng, tôi thì mải đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống, nhưng Trường lại có tinh thần tự giác rất cao, luôn chủ động trong việc học”.

Trưởng thành trong màu áo lính

Bước vào môi trường quân đội là thách thức lớn đối với một chàng trai trẻ, đặc biệt khi phải sống xa nhà, cường độ học tập và rèn luyện khắc nghiệt. Tuy nhiên, Trường đã không để những khó khăn đó khuất phục. “Những bài học từ thầy-cô giáo, những kỷ niệm cùng đồng đội đã giúp em vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”-Trường chia sẻ.

Trong suốt 5 năm học tập tại Trường Sĩ quan Chính trị, Trường luôn là học viên xuất sắc. Trường không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp học tập hiệu quả để nắm vững kiến thức và áp dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo. Không chỉ giỏi về học tập mà chàng trai này còn là đầu tàu trong các hoạt động phong trào của nhà trường như: thủ quân năng nổ trên sân bóng chuyền, MC trong các chương trình văn nghệ và có nhiều công trình nghiên cứu đáng ghi nhận.

Lê Văn Trường nhận bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu của Trường SĨ quan Chính trị năm 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Lê Văn Trường nhận bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu của Trường SĨ quan Chính trị năm 2023 (ảnh nhân vật cung cấp).

Chính nhờ những nỗ lực không ngừng, Trường đã đạt được những thành tích xuất sắc. Tiêu biểu như danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2023, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2022 và nhiều giải thưởng khác trong các hội thi, hội thao của nhà trường. Đặc biệt, Trường đã liên tiếp được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu của trường trong suốt 3 năm.

Sau khi hoàn thành khóa học, một lần nữa Trường chinh phục “ngôi vị” thủ khoa khi có điểm số xuất sắc nhất trong tổng số hơn 500 học viên tốt nghiệp niên khóa 2019-2024; đồng thời vinh dự đại diện cho học viên toàn khóa hôn lên hồng kỳ trong lễ tốt nghiệp. Với thành tích này, Trường đã được giữ lại Trường Sĩ quan Chính trị công tác.

“Thời gian tới, với những kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy, em sẽ tiếp tục cống hiến cho quân đội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân sẽ không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành một người cán bộ chính trị giỏi, một người chiến sĩ kiên trung của Quân đội nhân dân Việt Nam”-Trường nêu quyết tâm.

Thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh): “Trong quá trình học tập tại trường, em Lê Văn Trường luôn là học sinh xuất sắc. Câu chuyện về Trường là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh của ý chí, nghị lực. Nhà trường rất tự hào về em và luôn lấy đó là tấm gương cho các học sinh noi theo”.

Có thể bạn quan tâm

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

(GLO)- Từ một người "mất gốc" tiếng Anh, em Phạm Anh Kiệt-Lớp 11C5, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có sự bứt phá đầy ấn tượng. Ngoài nâng điểm trung bình môn lên trên 9, nam sinh này còn trở thành "thủ lĩnh" CLB tiếng Anh của trường và MC Anh ngữ cho nhiều chương trình ngoại khóa.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.