Lập lại trật tự kinh doanh lâm sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để từng bước chấn chỉnh hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư  01/2012/TT-BNNPTNT quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện thông tư, trật tự trong hoạt động kinh doanh lâm sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai cơ bản đã được thiết lập…

Xiết chặt hoạt động kinh doanh lâm sản

Thông tư 01 được ban hành để thay thế Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN trong lĩnh vực kinh doanh lâm sản. Với Quyết định 59, dù đã đạt được những mặt tích cực trong công tác quản lý, hoạt động mua bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, xã hội hóa nghề rừng… Song những hạn chế của Quyết định 59 vẫn còn nhiều kẽ hở khi chưa gắn kết hoạt động quản lý lâm sản với quản lý rừng bền vững. Cơ chế bảo đảm giám sát nguồn gốc lâm sản còn nhiều bất cập.

 

Gỗ bị bắt tại hạt kiểm lâm Kông Chro. Ảnh: Lê Anh
Gỗ bị bắt giữ tại hạt kiểm lâm Kông Chro. Ảnh: Lê Anh

Một số quy định bị các đối tượng lợi dụng nhằm hợp pháp hóa lâm sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp dùng phương thức quay vòng hồ sơ để hợp thức hóa, tẩu tán lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, Quyết định 59 quy định không được kiểm tra đối với hàng mộc hoàn chỉnh, các loại lâm sản khác ngoài gỗ, nên không xử lý hết những trường hợp lợi dụng để khai thác, vận chuyển lâm sản này từ rừng tự nhiên. Chủ xưởng chế biến gỗ không cần báo cáo nguồn nhập, không ghi chép sổ theo dõi, nên các xưởng gỗ trên địa bàn tỉnh mọc lên như “nấm sau mưa”, khó quản lý…

Thông tư 01 có những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn như: Cho phép được kiểm tra đồ mộc hoàn chỉnh. Không quy định giấy phép vận chuyển đặc biệt. Quy định chi tiết hồ sơ lâm sản trong từng khâu theo chuỗi cung ứng lâm sản, kiểm tra tại các khâu để loại trừ lâm sản không hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng lâm sản, đảm bảo lâm sản tiêu thụ minh bạch, hợp pháp. Thông tư 01 cũng đã xây dựng được hệ thống quản lý lâm sản bằng sổ theo dõi nhập-xuất lâm sản. Có bảng kê lâm sản, hóa đơn bán hàng và cơ chế kiểm tra, xác nhận lâm sản hợp pháp.

Cùng với đó, những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian xác nhận, quản lý, lưu giữ hồ sơ lâm sản cũng được xiết chặt… đã tạo ra nét mới, góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh lâm sản.

Nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa

Thời kỳ cao điểm tại huyện Krông Pa có gần 70 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Việc nhập-xuất lâm sản tại các cơ sở này diễn ra khá đơn giản. Chủ cơ sở chỉ cần xuất trình hóa đơn mua bán thì số lâm sản đương nhiên trở thành gỗ hợp pháp. Đây chính là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép bằng những hồ sơ xoay vòng. Tuy nhiên, từ khi Thông tư 01 được ban hành đã chấn chỉnh tình trạng kinh doanh theo kiểu “gian dối” này.

Qua kiểm tra của các ngành chức năng, hiện nay toàn huyện Krông Pa chỉ còn 19 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản đang hoạt động. Việc các cơ sở kinh doanh lâm sản, các xưởng mộc gia đình… đã quen với lối làm ăn cũ, nay phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng chờ ngày giải thể vì nguồn gỗ bất hợp pháp không còn, lại bị quản lý bởi cơ chế chặt chẽ hơn là điều tất yếu. Tại huyện Chư Pưh, hiện nay cũng chỉ còn 3 cơ sở, huyện Kbang còn 10 cơ sở kinh doanh lâm sản hoạt động...

Những năm trước toàn tỉnh có hơn 550 cơ sở có chức năng sản xuất, chế biến lâm sản được Sở kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố cấp phép. Hiện nay chỉ còn 483 cơ sở và đang có gần 100 cơ sở (chủ yếu các hộ gia đình) phải hoạt động cầm chừng hoặc chờ ngày đóng cửa kể từ khi Thông tư 01 có hiệu lực.

Ông Võ Đình Chinh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kbang cho biết: “Trước khi Thông tư 01 có hiệu lực, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản phải tổng hợp, báo cáo số lượng gỗ còn tồn đọng về Hạt. Việc triển khai những quy định trong Thông tư 01 đã tạo ra nét mới, xiết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh lâm sản. Qua đó, giúp cho lực lượng chức năng dễ kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng…”.

Lê Anh
 

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.