(GLO)- Lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai tổ chức buổi đối thoại để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải đáp ý kiến của học sinh khối THPT, qua đó giúp các em có những định hướng đúng đắn, phù hợp và yên tâm học tập.
Tôn trọng ý kiến của học sinh là điều được ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định ngay trước khi bắt đầu buổi đối thoại với 53 học sinh tiêu biểu của 47 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tư Sơn cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là trước khi lắng nghe học sinh nói thì phải tuyệt đối tôn trọng mọi ý kiến, suy nghĩ của các em. Sở GD-ĐT tổ chức diễn đàn đối thoại là để giúp học sinh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về những vấn đề mà các em quan tâm. Qua đó, học sinh sẽ tự trang bị thêm cho bản thân nhiều kỹ năng thực hành xã hội, tự nâng cao nhận thức của mình về trách nhiệm, vai trò trong việc rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành những công dân tốt trong tương lai. Đặc biệt, điều chúng tôi kỳ vọng đầu tiên khi tổ chức diễn đàn này là giúp học sinh yên tâm, hào hứng hơn trong học tập”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao đổi thêm với học sinh về tình hình học tập ở trường trong giờ giải lao. Ảnh: N.G |
Đúng như tinh thần của buổi đối thoại, những học sinh tham gia đều cảm thấy thoải mái, tự tin nói lên suy nghĩ của mình. Thẳng thắn đề cập đến thực trạng dạy thêm-học thêm ngoài nhà trường hiện nay, em Lê Hoàng Long (học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) bày tỏ: “Đa số giáo viên tổ chức dạy thêm đều dạy trước chương trình khiến cho những tiết học ở lớp rất nhàm chán. Không những thế, nhiều giáo viên dạy ở lớp qua loa khiến những học sinh không có điều kiện đi học thêm bị thiệt thòi trong việc tiếp thu kiến thức. Tuy rằng thực trạng này không diễn ra ở tất cả các bộ môn nhưng đã và đang xảy ra, vậy lãnh đạo Sở GD-ĐT có biện pháp gì để chấn chỉnh?”.
Trước khi trả lời câu hỏi này, ông Lê Duy Định- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỏ ý khen ngợi em Lê Hoàng Long bởi sự thẳng thắn nói đúng bản chất thực trạng này. “Rà soát, kiểm tra và thực hiện nghiêm túc việc cấp phép cho các cơ sở dạy thêm là nhiệm vụ mà Sở GD-ĐT đang triển khai để chấn chỉnh việc dạy thêm tràn lan. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra chương trình dạy thêm của giáo viên, ký kết văn bản phối hợp với các địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, giúp các em học tập tốt, học thêm đúng nghĩa là nâng cao kiến thức chứ không phải học thêm để lấy điểm”-ông Lê Duy Định nói.
Quan tâm đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số, em Rơ Châm Hà (Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) bày tỏ mong muốn có sự đầu tư bài bản trong việc dạy văn hóa truyền thống cho học sinh trong các trường phổ thông dân tộc. Em Hà cho rằng: “Nên có nguồn kinh phí để các trường mời nghệ nhân dạy cho học sinh để chúng em có cơ hội tiếp nhận đầy đủ vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình. Hiện nay, trường chúng em cũng được học về văn hóa dân tộc nhưng chưa đúng chuẩn từ trang phục, nhạc cụ cho đến cách thức truyền đạt sao cho hiệu quả “. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT ghi nhận ý kiến của em và cho biết, Sở sẽ làm việc trực tiếp với các trường phổ thông dân tộc trong việc nâng cao chất lượng dạy văn hóa truyền thống cho học sinh.
Bên cạnh đó, những vấn đề như: cơ sở vật chất trong các trường học chưa đảm bảo, công tác phòng tránh tai nạn đuối nước, đổi mới phương pháp học tập, an ninh học đường, định hướng nghề nghiệp, định hướng du học... cũng được rất nhiều học sinh quan tâm . Sau khi được bày tỏ suy nghĩ của mình, đa số học sinh cho rằng những buổi đối thoại là hết sức cần thiết. Em Phạm Thành Trung (Trường THPT Phạm Hồng Thái, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Lần đầu tiên có cơ hội được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Sở GD-ĐT, em và các bạn đều thẳng thắn, tự tin bày tỏ ý kiến của mình. Các thầy giải đáp những thắc mắc của học sinh rất thỏa đáng. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều cuộc đối thoại như thế này, đặc biệt ở cấp trường để học sinh được trực tiếp nói lên mong muốn của bản thân “.
Nguyễn Giang