Làm gì để nâng cao mức sống cho người cao tuổi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách phù hợp đối với người cao tuổi, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của họ đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, mức sống của người cao tuổi-nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhọc nhằn tuổi già

Ngồi đợi cháu đến chở về sau khi nhận phần quà do Công ty Thủy điện Ia Ly và đoàn do đồng chí Phạm Đình Thu-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao tặng mới đây, đôi mắt bà Puih Yun (70 tuổi, làng Dip 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) ánh lên niềm vui. Ở cái tuổi lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, nhưng vì không có gia đình nên bà vẫn phải vất vả mưu sinh. Hàng ngày để có tiền mua gạo, bà phải lặn lội vào rừng kiếm củi, kiếm măng đi bán. Bà Yun tâm sự: “Trước đây còn trẻ, được làng chia cho 1 sào đất trồng mì nhưng bây giờ già rồi, không còn sức trồng mì nữa. Mình cho cháu mượn đất trồng trọt, thỉnh thoảng cháu hỗ trợ cho bao gạo. Bây giờ chỉ cần đủ gạo ăn, còn rau nhà thì tự trồng được”. Không chỉ chật vật lo miếng cơm, manh áo, bà Yun còn thường xuyên đối mặt với ốm đau.

 

Tọa đàm thực trạng thu nhập và mức sống người cao tuổi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Tọa đàm thực trạng thu nhập và mức sống người cao tuổi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đ.Y

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Trương Huy Hoàng (làng An Phú, xã Phú An, huyện Đak Pơ) nằm ở giữa làng. Vợ chồng ông Hoàng, bà Lộc đang sống cùng người con gái 28 tuổi bị bệnh bại não, co rút chi; hàng ngày ông bà phải vất vả chăm bẵm con như chăm trẻ lên ba. Ông bà luôn trăn trở, day dứt, rồi đây không biết ai sẽ là người tiếp tục chăm lo cho con khi cả hai vợ chồng không còn nữa. Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày trong gia đình ông bà hiện chỉ trông cậy vào 2 sào đất trồng lúa và mấy mét đất trồng rau. Bữa cơm hàng ngày họ cũng chỉ là rau dưa đạm bạc. Thi thoảng mua được ít thịt, ông bà lại dành hết cho con. Số tiền trợ cấp hàng tháng của con thì ông bà để dành thuốc thang, có khi không đủ.

Giải pháp nào?

Tính đến cuối tháng 8-2017, toàn tỉnh có 105.120 người cao tuổi, chiếm 7,48% tổng dân số của tỉnh, trong đó có 135 người từ 101 tuổi trở lên. Nguồn thu nhập chủ yếu của người cao tuổi là lương hưu, hỗ trợ từ con cái và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, số người cao tuổi được hưởng lương hưu không nhiều, chiếm chưa đến 20% tổng số người cao tuổi toàn tỉnh. Nhiều người cao tuổi vẫn phải tham gia lao động, đóng góp đáng kể vào thu nhập gia đình, nhất là người cao tuổi dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận người cao tuổi vẫn phải làm việc với những công việc tự tạo, thu nhập thấp và không ổn định.

Những năm qua, Luật Người cao tuổi được ban hành đã phần nào nâng cao mức sống cho người cao tuổi, song còn một bộ phận, nhất là người cao tuổi dân tộc thiểu số, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại buổi tọa đàm khoa học về “Thực trạng thu nhập và mức sống người cao tuổi dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thế Huệ-Viện trưởng, nêu quan điểm: “Riêng với người cao tuổi còn khả năng lao động, cần tạo điều kiện để họ vay vốn với lãi suất thấp, tạo việc làm để tăng thu nhập; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề. Hơn nữa, có một thực tế là phần lớn người cao tuổi chưa có tích lũy cho tuổi già khiến họ dễ rơi vào tình thế khó khăn khi không còn sức khỏe để lao động, phải sống phụ thuộc nhiều vào con cái và trợ cấp xã hội. Vì vậy, Nhà nước nên mở rộng đối tượng người cao tuổi được hưởng chế độ trợ cấp bằng cách hạ độ tuổi được hưởng từ 80 tuổi như hiện nay xuống 75 tuổi. Đồng thời, nâng mức trợ cấp từ 270 ngàn đồng/người/tháng hiện nay theo Nghị định 136 của Chính phủ lên bằng mức sống tối thiểu, tức tăng khoảng 40 hoặc 45% mức lương cơ bản”.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Huệ, về chăm sóc sức khỏe, có thể thấy rõ một thực trạng là tuổi càng cao thì bệnh càng nhiều, trong khi công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn chưa được quan tâm đúng mức, người cao tuổi chưa được khám bệnh định kỳ hàng năm, đặc biệt là người cao tuổi ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số. “Vì vậy, nên chăng cần nâng mệnh giá bảo hiểm y tế của người cao tuổi lên ít nhất bằng bảo hiểm y tế của hộ nghèo. Đời sống tinh thần của người cao tuổi cũng cần được quan tâm hơn, nhất là đối với người cao tuổi dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức các hoạt động, giúp người cao tuổi có sân chơi, sống vui, khỏe và có ích…”-Tiến sĩ Huệ đề xuất.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.