Lâm Đồng: Trồng thứ cây quả "chui" xuống đất "biến" thành củ, bất ngờ là bóc ra thấy hạt "chín" tím đen

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ sự hợp tác giữa chị Phạm Thị Hương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, giống lạc đen đã bén rễ đất Đức Trọng và cho một vụ mùa bội thu.
Giống lạc đen CNC1 được Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự tại Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp tuyển chọn từ nguồn vật liệu (nhập nội). 
Lạc đen là giống lạc cho năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với giống lạc thường hiện nay. Đặc biệt, chất lượng của giống lạc đen có giá trị trong y học.

Chị Phạm Thị Hương, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn lạc đen bội thu.
Chị Phạm Thị Hương, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn lạc đen bội thu.
Chúng tôi hẹn gặp chị Phạm Thị Hương khi chị đang tất bật thu hoạch vụ lạc đen đầu tiên.
Chị Hương cho biết: “Tôi may mắn được đọc trên một bài báo viết về Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự của mình nghiên cứu thành công về giống lạc đen, với năng suất, chất lượng, cũng như tác dụng mà giống lạc đen mang lại cao gấp bội so với giống lạc thường. Vì vậy, tôi đã nảy ra ý định là sẽ trồng thử giống lạc này, nên đã liên hệ trực tiếp với Tiến sĩ Kim Cúc và được Tiến sĩ đồng ý gửi hạt giống để thử nghiệm...".
"Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã cùng lúc trồng thử nghiệm giống lạc đen này tại đất Phan Rang và Đức Trọng, đến khi thu hoạch thì sản phẩm thu được tại Phan Rang cho ra hạt lạc nhỏ như hạt thóc, còn tại Đức Trọng thì trái ngược, hạt to, đều, năng suất cao. Vậy là tôi quyết định trồng giống lạc này trên mảnh đất Đức Trọng và sau 4 tháng gieo trồng, khi thu hoạch cho năng suất, chất lượng đúng như mong đợi”. 
Nói rồi chị Hương dẫn chúng tôi đi một vòng “mục sở thị”, những hạt lạc vừa được nhổ lên, hạt nào cũng to đều. 
Đặc biệt là giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen (giống lạc thường trồng phổ biến hiện nay có vỏ hạt màu hồng).

Chị Hương cũng cho biết thêm, trong lần đầu thu hoạch này, năng suất giống lạc đen đạt 10 tấn/ha, trong khi đó giống lạc thường chỉ đạt 7,0 tấn/ha. 

Ngoài ra, giống lạc này cũng có thời gian chăm sóc và đầu tư ít hơn so với giống lạc thường và giá thu mua cũng cao hơn (hiện lạc đen có giá khoảng 20 ngàn đồng/kg), trừ các chi phí, người dân cũng thu được từ 10 - 12 triệu đồng/sào/vụ.
Theo Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, lạc đen sau khi thu hoạch, có thể được chế biến thành các sản phẩm như: bơ, dầu, phomai, sữa... 
Trước hiệu quả mà giống lạc đen mang lại, chị Hương cũng quyết định đứng ra đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương. 
“Tôi sẽ cung cấp giống, phân bón cho người dân, sản phẩm trồng ra tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm thu mua cho bà con. Và nếu bà con cần tiền đầu tư, tôi có thể cho ứng trước. Hiện, đã có khoảng 5, 6 người đăng ký trồng giống lạc đen này”. 
Chị Phạm Thị Hải (Tổ 27, Hàng Thông, thị trấn Liên Nghĩa) cho biết: “Tôi có 6,5 sào đất, vừa rồi trồng thử nghiệm giống lạc đen trên 1 sào đất tôi thấy năng suất rất cao, công chăm sóc lại ít nên tôi quyết định sẽ tiếp tục đầu tư trồng hết 6,5 sào đất hiện có của gia đình”.
Mới đây, thông báo với chúng tôi, chị Hương vui mừng cho biết, chị vừa được Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp ủy quyền là chi nhánh độc quyền tại tỉnh Lâm Đồng phân phối, chế biến các sản phẩm độc quyền từ lạc đen. 
Chị Hương đang bắt tay đầu tư nhà xưởng và chọn sản phẩm chủ lực từ lạc đen là làm dầu lạc đen, bơ lạc đen... cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, chị cũng đang làm thủ tục thành lập Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao chuyên sản xuất, chế biến, dịch vụ, thương mại, đầu tư, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ.
So với giống lạc thường, lạc đen CNC1 thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội là: Dạng hình cây gọn, thân đứng, sinh trưởng, phát triển khỏe. Lá của lạc đen có màu xanh đậm; ra hoa đậu quả tập trung, quả to, chắc, tỷ lệ hạt/củ > 70%, ít bị nhiễm sâu bệnh hại...
Nhật Minh (Báo Lâm Đồng/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.