Khẳng định thế mạnh cây dược liệu Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sản xuất cây dược liệu ở Lâm Đồng có nhiều lợi thế do có đặc điểm về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn đa dạng, đặc biệt về hệ thực vật phong phú. Hiện trạng sản xuất trong những năm gần đây đã khẳng định cây dược liệu là một trong những cây trồng thế mạnh với nhiều loại có giá trị cao như Lan gấm, Linh chi, Đông trùng hạ thảo…, bước đầu đã xây dựng vùng nguyên liệu và thương hiệu ở Lâm Đồng.
 

 Sản xuất Đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt đạt lợi nhuận bình quân 810 triệu đồng/1.000 m2 nhà xưởng
Sản xuất Đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt đạt lợi nhuận bình quân 810 triệu đồng/1.000 m2 nhà xưởng


 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây dược liệu quý Atiso xuất hiện ở Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 đến nay phát triển đến các huyện Lạc Dương và xuống các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với tổng diện tích duy trì khoảng hơn 160 ha, năng suất bình quân gần 50,5 tấn/ha. Sản phẩm Atisô rất đa dạng, sử dụng được cả thân, lá, hoa và rễ với tỷ lệ 65% chế biến các sản phẩm có giá trị xuất khẩu như cao khô Atisô, viên nén Atisô, trà túi lọc Atisô, thực phẩm chức năng… Còn lại tỷ lệ 25% thân, lá, hoa, rễ sấy khô dùng nấu nước uống và khoảng 10% thân non và hoa dùng chế biến ăn tươi. Hiện tại, tổng doanh thu trồng Atisô 466,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, mang lại lợi nhuận 217,3 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất các loại rau, hoa trên cùng diện tích.
 
Bên cạnh cây Atisô, trong một vài năm gần đây, cây đương quy được phát triển phổ biến trồng thuần hoặc trồng xen với cây cà phê trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông với diện tích khoảng 47 ha, năng suất bình quân gần 28 tấn/ha, sản lượng trên 1.100 tấn. Hiện tại tổng doanh thu bình quân cây đương quy đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở liên kết với nông dân sản xuất tiêu thụ đương quy như: HTX Dược liệu Như Ý, Công ty cổ phần Tơ lụa và Dược liệu Lâm Đồng, Công ty TNHH Đà Lạt thảo dược Minh Quân... thu mua, chế biến tiêu thụ hàng năm 850 tấn đương quy, chiếm hơn 82,0% trên tổng sản lượng; còn lại tỷ lệ 18% được tiêu thụ qua các doanh nghiệp, thương lái nhỏ, lẻ.
 
 “Cây đương quy đang khẳng định sinh trưởng phù hợp với các vùng thổ nhưỡng phụ cận Đà Lạt với lượng mưa nhiều và phân bố đồng đều. Với các thành phần dược liệu có tác dụng giảm đau, bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường, điều huyết thông kinh, làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể..., trong thời gian tới, cây đương quy là một trong những loại dược liệu có nhiều tiềm năng phát triển mạnh tại tỉnh Lâm Đồng...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
 
Tương tự cây đinh lăng trồng trên địa bàn Lâm Đồng với các thành phần dược liệu có chứa 8 loại saponin, glucosid, tanin, khoảng 13 loại axit amin, alcaloid, vitamin B1, B2, B6... tác dụng chữa cảm sốt, mụn nhọt, sưng vú, mẩn ngứa, sưng tấy do ngã; ho, kiết lỵ, làm thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng lực, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, chống phù, lợi tiểu và chống nhiễm độc... được sử dụng qua trực tiếp hoặc trong các bài thuốc y học cổ truyền.
 
Định hướng trong thời gian tới, Lâm Đồng phát triển trồng xen cây đinh lăng trên diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả và đất lâm nghiệp phù hợp tại Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc...
 
Đáng kể ngoài các loại dược liệu được canh tác thông thường, trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay đã phát triển nhiều cơ sở nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường lạnh, khép kín với công nghệ cao, đạt bình quân lợi nhuận 810 triệu đồng/1.000 m2 nhà xưởng/năm. Hoặc như cây dược liệu quý hiếm Trà hoa vàng đang sản xuất chuyên canh trên diện tích 10 ha tại các huyện Đạ Huoai và Lâm Hà. Trong các khu rừng tự nhiên ở Lâm Đồng có 2 loại Trà hoa vàng đặc trưng là Trà hoa vàng Đà Lạt, Trà hoa vàng Di Linh, Cát Tiên.
 
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng đã và đang phát triển các loài dược liệu đặc trưng, thế mạnh so sánh ở các vùng sinh thái trên địa bàn. Đó là cây Đảng sâm trồng thuần trên đất nông nghiệp khoảng 2,3 ha tại Đam Rông, Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà... cho sản lượng 25 tấn. Cây Diệp hạ châu các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Di Linh hiện có khoảng 28 ha, năng suất đạt 10,5 tấn/ha, lợi nhuận 230,5 triệu đồng/ha/năm. Cây nấm Linh chi là một trong những loại dược liệu cao cấp được nuôi trồng chủ yếu tại Đà Lạt, Lạc Dương và Bảo Lâm. Cây Lan gấm có nhiều tác dụng như phòng ngừa, điều trị ung thư, tiểu đường, các bệnh về gan, phổi... Hiện đã có nhiều đề tài nghiên cứu bảo tồn cây Lan gấm trong tự nhiên và phát triển nuôi trồng trong dân.
 
Trong thời gian sắp tới, cây Lan gấm được ngành nông nghiệp Lâm Đồng đẩy mạnh bảo tồn và khoanh nuôi tại khu vực rừng lá rộng trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đam Rông. Chưa kể các loại dược liệu khác như Hoàng liên ô rô tập trung phát triển tại các khu vực rừng hỗn giao, rừng lá kim trên địa bàn huyện Lạc Dương. Cây Chè dây phát triển trong rừng tự nhiên tại Bidoup Núi Bà, Đam Rông, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên với trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 10 - 15 tấn. Cây Thông đỏ có chứa những hoạt chất tác dụng chữa ung thư buồng trứng, ung thư vú di căn... Tại Việt Nam Thông đỏ phân bố tại hẻm núi quanh địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, nên tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Định hướng trong thời gian tới tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu bảo tồn, nhân giống phát triển trồng trên diện tích quy mô lớn, đồng thời đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chiết xuất tinh chất đáp ứng yêu cầu bào chế dược liệu phục vụ trị bệnh, khai thác tiềm năng và giá trị tương xứng với thế mạnh của thổ nhưỡng Lâm Đồng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 80% sản lượng dược liệu được chế biến, trong đó có 50% chế biến tinh và hình thành 5 chuỗi giá trị dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu; có 70% dược liệu qua chế biến được chứng nhận GMP toàn cầu.


 
http://www.baolamdong.vn/kinhte/202106/khang-dinh-the-manh-cay-duoc-lieu-lam-dong-3061098/

Theo VĂN VIỆT (LĐ online)
 

Có thể bạn quan tâm