Lâm Đồng: Trồng mướp hương lúc nào bán cũng "cháy hàng", cả làng khá giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), một nhóm hộ nông dân đang trồng mướp hương sạch, cho quả ngọt cung cấp cho thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho các nông hộ.
Thăm vườn mướp hương của anh Nguyễn Văn Thực, người thường được bà con tổ dân phố gọi là anh Nam, giữa lúc anh đang tỉa lá cho những dây mướp già. 
Anh Nam cho biết, đất trồng mướp hương nguyên là đất trũng, chuyên trồng lúa 1 vụ nhờ nước trời và được bà con cải tạo đất, làm giàn, trồng một số loài cây ăn trái như dưa leo, chanh dây và cây mướp hương. 

Vườn mướp hương nhà anh Nam, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) treo miếng keo bẫy ruồi vàng.
Vườn mướp hương nhà anh Nam, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) treo miếng keo bẫy ruồi vàng.
Theo anh Nam, cây mướp là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao và thị trường đầu ra ổn định.
Anh Nam chia sẻ, cây mướp hương được trồng từ hạt. Hạt được gieo trực tiếp xuống đất đã làm kỹ, bón phân tơi xốp, lên luống thấp. 
Chỉ sau 1 tuần, hạt mướp hương nứt mầm và mọc rất nhanh. Lúc đó, người trồng cần cắm tre làm chỗ leo cho mướp, sau đó mướp vươn lên giàn. 
Sau 48 ngày kể từ lúc xuống giống, cây mướp hương cho thu hoạch lứa trái đầu tiên và thu hoạch trái lai rai kéo dài trong 8 tháng. 
Mướp hương phát triển rất nhanh và cho năng suất rất cao. Như nhà anh Nam, 1 sào mướp hương anh trồng 200 gốc, thu hoạch được trung bình 3 tấn trái/tháng. 
Một vụ mướp hương, anh thu trung bình 20 tấn trái, với giá bán bình quân 3.500 đồng/kg, một thu nhập khá cao so với các cây trồng khác.
Điều làm cây mướp được nông dân ưa chuộng là cây phát triển rất nhanh, mau có thu hoạch. Với khả năng lớn cực nhanh, chỉ cần 1 tuần là bông hoa mướp cái được thụ phấn đã có thể cho thu hoạch với trọng lượng 300 - 400 gam/trái. 
Bà con thường thu hoạch khi trái mướp hương đạt 300 - 400 gam vì giai đọan này trái vừa, đạt độ ngọt, giòn cao nhất. Cây mướp hương lại ít sâu bệnh, nhu cầu phân bón rất ít. Mướp cũng là loại cây chịu hạn tốt, chỉ cần tưới 1 tuần/lần. 
Vườn mướp hương đã được bắc giàn tưới tự động nên việc chăm sóc của bà con rất nhàn. Anh Nam cho biết, mướp hái cách ngày, ngày hái ngày nghỉ. Sau mỗi đợt thu hoạch rộ, người nông dân cần làm lá, vặt bỏ lá già, tạo thông thoáng cho giàn để cây ra lứa mới.
Điều khá đặc biệt của người nông dân trồng mướp Đoàn Kết là việc trị sâu bệnh trong vườn mướp. Anh Nam nhận xét, cây mướp ít sâu bệnh, chỉ có đối tượng ruồi vàng đục trái gây hại nhiều nhất. Trái mướp non bị ruồi vàng chích hút sẽ chậm lớn, sâu trái, quăn và khó tiêu thụ. 
Thay vì sử dụng các loại thuốc phun xịt, bà con đã sử dụng các miếng bẫy ruồi vàng. Đó là những miếng keo có màu vàng, rất hấp dẫn ruồi vàng. Ruồi bay tới và bị dính vào miếng keo. Một sào mướp chỉ cần treo 20 miếng keo dính là đủ. 
Với giá 10 ngàn đồng/miếng keo, chi phí 200 ngàn sẽ bảo vệ an toàn cho 1 sào trồng mướp trong vòng 15 ngày. 
Sau 15 ngày, miếng keo giảm tác dụng, người trồng mướp lại thay miếng keo mới. Việc sử dụng bẫy keo trị ruồi vàng đã giúp vườn mướp hương an toàn đồng thời bảo vệ môi trường, giúp trái mướp sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 
Các nông hộ trồng mướp như nhà anh Nguyễn Văn Thức, Vũ Mạnh Hùng và anh Nam... đều áp dụng biện pháp trừ dịch hại ruồi vàng bằng bẫy, không sử dụng thuốc trừ ruồi trên cây mướp.
Anh Nguyễn Văn Thức, tổ trưởng Tổ dân phố Đoàn Kết cho biết, trong tổ nhiều nông hộ cùng trồng mướp hương, trở thành một vùng chuyên cung cấp mướp trái cho các vựa.
Với 1 sào mướp, người trồng chỉ tốn 500 ngàn tiền giống, gần 4 triệu tiền keo dính bẫy ruồi, phân bón không nhiều. Trong khi đó, với giá mướp hương trung bình 3.500 đồng/kg, 1 sào mướp cho thu trên 10 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn xấp xỉ 70 triệu đồng/sào/vụ 9 tháng. 
Mướp hương thu hoạch được đóng bao, để ngay tại nhà, có thương lái vào tận nơi thu mua mang đi. Mướp hương trái vừa phải, thu hoạch trái bánh tẻ vừa độ ngọt nên thị trường ưa chuộng. 
Người Đoàn Kết trồng ra bao nhiêu mướp, thương lái thu mua hết và chuyển về vựa, phân phối trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Chính từ cánh đồng của tổ Đoàn Kết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) những trái mướp hương được trồng, thu hoạch và mang lại thu nhập ổn định cho những người nông dân chăm chỉ.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm