Lâm Đồng: Trai đẹp thôn Âm Phủ nuôi con không biết chạy, hàng năm nhả ngọc quý mà thu hàng trăm triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngọc trai vốn là một trong những sản vật nổi danh. Không chỉ có những con trai ngọc từ biển cả mặn mòi, còn một giống trai nước ngọt, với những viên ngọc xinh đẹp màu hồng, trắng lộng lẫy. Và giữa thôn Âm Phủ, xã Sơn Điền, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), có một chàng trai đang ngày đêm nuôi những con trai đang ngày đêm làm ngọc.
Thôn Âm Phủ vốn có tên hành chính là thôn Liang Bang, xã Sơn Điền. Thôn nằm giữa hẻm núi cao vút, xuống thôn chỉ có con đường đi sâu hút nên bà con xung quanh quen miệng gọi Liang Bang là thôn Âm Phủ. 
Ở cuối con dốc sâu, giáp với núi, có ao nuôi trai lấy ngọc của anh Phạm Tất Thành. Vốn có nghề gia đình nuôi trai lấy ngọc, rời mảnh đất Ninh Bình, anh Thành vào Di Linh sinh sống và mang theo nghề nuôi trai lấy ngọc đến quê mới.

Anh Thành, thôn Âm Phủ, xã Sơn Điền, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đưa trai vào túi lưới
Anh Thành, thôn Âm Phủ, xã Sơn Điền, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đưa trai vào túi lưới
Anh Phạm Tất Thành chia sẻ, nuôi trai lấy ngọc là nghề khá phổ biến ở vài tỉnh phía Bắc. Không chỉ con trai biển mới cho ngọc, một loại trai nước ngọt đặc biệt cũng nuôi nấng những viên ngọc nhỏ tròn, xinh đẹp để làm trang sức hay mỹ phẩm. 
Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đòi hỏi những kỹ thuật khá cao và môi trường sống ổn định. Kỹ thuật anh Thành đã học được và môi trường, đất Sơn Điền rất hợp với con trai lấy ngọc. 
Anh Thành cho biết, giống trai nước ngọt phải nhập từ trại giống ngoài Bắc về. Đó là những con trai rất lớn, vỏ xù xì, đen nhám, mỗi con trai to bằng bàn tay người lớn. 
Trai nhập phải đi đường container lạnh, khi vào tới trại phải nuôi trong bể trong nhà một tháng cho trai hồi sức, quen dần với khí hậu địa phương. 
Sau khi trai khỏe lại, anh Thành mới tiến hành cấy nhân vào ruột trai. Nhân cấy vào ruột trai đúng kỹ thuật, trai sẽ không chết mà tự tiết ra một chất đặc biệt để bao nhân lại, tạo thành viên ngọc trai đẹp.

Ngọc hình thành trong thịt trai
Ngọc hình thành trong thịt trai
Anh Phạm Tất Thành giới thiệu sơ lược về quy trình nuôi cấy trai ngọc trong khi thử mở một con trai hơn 1 năm tuổi: “Nhân để cấy vào con trai cũng khá đặc biệt, nhiều người tưởng là nhân từ vật liệu nhân tạo nhưng không phải, nhân từ chính vỏ của trai ngọc được chế tác phù hợp. Trước nhà tôi nuôi phải nhập nhân cấy từ Nhật, cha tôi sau nhiều năm mày mò đã tìm ra cách làm nhân bằng vật liệu trong nước...".
Anh Thành giới thiệu tiếp :"Nói chung cứ phải dùng đồ tự nhiên mới ăn”. Cái nhân nhỏ ấy được cấy vào thân trai ngọc và kỹ thuật cấy cũng là kỹ thuật khó nhất để thành công. Cấy không đúng, con trai sẽ chết. Đặc biệt, cấy nhân vào trai tại Lâm Đồng có tỷ lệ sống cao hơn các trại nuôi trai ngọc nơi khác. 
Anh Thành nhận xét: “Ở ngoài Bắc thường cấy ngọc vào vụ giáp tết, trời lạnh trai dễ lành vết thương, dễ sống. Trời nóng trai dễ chết. Ở Sơn Điền thì mát mẻ quanh năm, rất hợp với con trai lấy ngọc”.
Trai được cấy xong, hồi sức sẽ được thả xuống ao nuôi. Ao nuôi trai ngọc sâu tầm 1,2 - 1,5 m nước, trên mặt ao được thả những quả bóng nhựa làm điểm nối. Những sợi dây dài nổi trên mặt nước nhờ những trái bóng nhựa. Trai được bỏ vào những túi lưới, treo trên dây, lơ lửng cách mặt nước tầm 30 - 40 cm.
Anh Thành chia sẻ: “Nước trong ao được lấy từ suối Đạ Rsál, nguồn nước khá sạch. Con trai không yêu cầu nước quá cao, chỉ ở mức nuôi cá được là sống được. Trai cũng không cần cho ăn gì, tự nó kiếm thức ăn từ lớp phù du trong ao là đủ”. Một ao tầm 1 sào, anh thả 20 ngàn con, hai ao anh thả 40 ngàn trai ngọc. 
Thử nghiệm nuôi trai lấy ngọc từ 2018, năm 2020 anh Thành đã thu được 1 kg ngọc các loại, khoảng 1 ngàn viên. Giá trung bình ngọc trai nước ngọt khoảng 300-500 ngàn/viên, những viên to, tròn, đẹp, size 8-10 mm có thể đạt giá 4-7 triệu đồng/viên. 
Ngọc trai nước ngọt màu sắc thường chỉ trắng, hồng và vàng, không phong phú như trai nước biển. Một kí ngọc trai, anh Thành thu được xấp xỉ 400 triệu đồng. Anh cho biết, thông thường 2 năm là thu hoạch ngọc trai. 
Càng để lâu, viên ngọc càng to, đẹp nhưng cũng dễ xảy ra rủi ro con trai chết, viên ngọc sẽ bị lọt xuống bùn không tìm thấy. Vì vậy, thường chỉ 2-3 năm là thu hoạch hết ngọc. Tỷ lệ ngọc đẹp chiếm khoảng 10-12% là thành công.
Đầu tư vào trại nuôi trai ngọc 1,5 tỷ đồng, anh Phạm Tất Thành tâm sự: “Nói chung đất Sơn Điền khí hậu phù hợp với trai ngọc, trời mát thì con trai ít trao đổi chất, ngọc mau to, đẹp. Tôi đã thu được những hạt ngọc từ đất này và chắc chắn sẽ gắn bó với nghề để cho ra đời nhiều ngọc trai thật đẹp”.
Theo Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.