Ngày 20.6, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế, phản ánh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Theo báo cáo được bà Trần Thị Mai Trâm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Lâm Đồng gửi đến Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu cả thuốc lẫn một số trang thiết bị vật tư y tế.
Cụ thể, một số loại thuốc hiện đang không đủ cung ứng theo nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương như: Các thuốc đàm phán giá cấp quốc gia, các thuốc thuộc gói thầu tập trung cấp địa phương và một số loại thuốc đặc hiệu không có nhà thầu tham gia thầu (như thuốc Imunoglobulin, Phenobarbital inj hay Diazepam…).
Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc này được cho là bất cập trong các văn bản hướng dẫn giữa Thông tư của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Y tế về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ gói thầu mua sắm tập trung.
Bên cạnh đó, theo thông tư 11/2019/TT-BKHĐT, Sở Y tế cũng không thể tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương qua mạng do thuốc thuộc danh mục này tại địa phương đã hết hạn hợp đồng tháng 4.2022 và không đợi được đến tháng 8.2022 để thực hiện theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.
Ngoài ra, một số thuốc đặc hiệu như Imunoglobulin, Phenobarbital inj, Diazepam... không có nhà thầu tham gia thầu nên cũng dẫn đến tình trạng không có những loại thuốc này để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương.
Tình trạng thiếu hụt này cũng xảy ra với nhiều trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hoá chất… thuộc quản lý theo Thông tư 14/2020 vì không có giá kê khai và không có giá trúng thầu đăng tải tại trang thông tin điện tử.
Bà Trâm cho biết, nguyên nhân của sự thiết hụt trang thiết bị vật tư y tế này là do “Theo Điều 44 Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 đã nêu: Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Do đó một số mặt hàng không xây dựng được giá kế hoạch hoặc đã trúng thầu nhưng không mua được”.
Trong báo cáo, Sở Y tế cũng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể, hướng dẫn rõ hơn về danh mục nào được định nghĩa là trang thiết bị để đơn vị thực hiện.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện Sở Y tế Lâm Đồng cũng đề xuất một số giải pháp để đảm bảo đủ số lượng thuốc khám chữa bệnh và các trang thiết bị, vật tư y tế theo nhu cầu của địa phương như: - Đề xuất Bộ Y tế tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế toàn quốc hoặc Bộ Y tế phê duyệt giá trần để các đơn vị tự mua sắm. - Đề nghị Bộ Y tế dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm nhưng rất cần cho nhu cầu điều trị. - Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn việc mua sắm và duyệt dự trù đối với một số thuốc thuốc gây nghiện hướng thần mà một số đơn vị Trung tâm y tế tuyến huyện không lựa chọn được nhà thầu do không có nhà thầu tham dự. - Trong tình hình lạm pháp hàng năm, chi phí xăng dầu và các chi phí liên quan khác ngày càng tăng thì việc căn cứ lập giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu trong 12 tháng trước liệu có còn phù hợp? |
Theo Phương Nhiên (LĐO)