Lâm Đồng: Nhận khoán bảo vệ rừng nhưng lại… lấn đất, phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù được giao rừng với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc kết hợp trồng cây lâm nghiệp xen cây nông nghiệp nhưng chính hộ nhận khoán lại lấn chiếm đất rừng bên ngoài ranh đất được giao khoán.

Hiện trường hơn 4.000m2 đất rừng phòng hộ thuộc khoảnh 10 (tiểu khu 365 thuộc địa bàn xã Ninh Loan, Đức Trọng) đã bị lấn chiếm, trồng cây macca lên xanh tốt trong khi cây thông trồng từ năm 2016 có biểu hiện chết khô, nhiều cây đã bị chặt phá. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Hiện trường hơn 4.000m2 đất rừng phòng hộ thuộc khoảnh 10 (tiểu khu 365 thuộc địa bàn xã Ninh Loan, Đức Trọng) đã bị lấn chiếm, trồng cây macca lên xanh tốt trong khi cây thông trồng từ năm 2016 có biểu hiện chết khô, nhiều cây đã bị chặt phá. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)


Dù được nhận khoán đất rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nhưng một số hộ dân tại xã Ninh Loan (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) lại lấn chiếm, thậm chí phá rừng để phục vụ mục đích riêng.

Hành vi này đã bị phát hiện, lập biên bản xử lý nhưng đến nay vẫn còn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận với câu hỏi về hiệu quả của chính sách giao khoán bảo vệ rừng tại địa phương này.

Người bảo vệ rừng… lấn đất, phá rừng

Sau hơn 2 năm được giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước, gần 40ha đất rừng thuộc tiểu khu 365 (địa bàn xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng) hầu như vắng bóng của cây rừng, chỉ lưa thưa vài chỗ có cây thông non, chiều cao vài chục centimet nhưng cũng có dấu hiệu chết khô.

Theo tìm hiểu, đây là khu vực đất rừng thuộc khoảnh 4, khoảnh 10 (tiểu khu 365) được chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (huyện Đức Trọng) giao khoán cho 4 hộ dân tại xã Ninh Loan bảo vệ, chăm sóc theo Nghị định 168.

Các hộ dân gồm hộ Lâm Ngọc Khao (2,5ha), hộ Phạm Văn Tiên (10,2ha), hộ Vũ Đỗ Hùng Tâm (4ha) và hộ Ngô Văn Chung (khoảng 14ha, hiện đã ủy quyền cho ông Đỗ Đình Dũng, ngụ Liên Nghĩa, Đức Trọng).

Dù được giao rừng với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc kết hợp trồng cây lâm nghiệp xen cây nông nghiệp (trong thời gian chờ cây lâm nghiệp khép tán) nhưng chính hộ nhận khoán lại lấn chiếm đất rừng bên ngoài ranh đất được giao khoán.

Cụ thể, ngày 10/5/2022, hai biên bản do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh làm việc với hộ ông Lâm Ngọc Khao về hành vi chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại khoảnh 10, tiểu khu 365 với tổng diện tích hơn 6.700m2.

Tại lô a1, khoảnh 10 có hơn 4.000m2 rừng thông trồng năm 2016 đã bị lấn chiếm, trồng macca và cây mít. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Khao thừa nhận macca và mít do hộ ông trồng năm 2021 nhưng rừng thông không biết ai chặt phá.

Theo ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, phần diện tích nêu trên nằm ngoài ranh giới của ban giao khoán cho hộ ông Khao theo Nghị định 168.

Sau khi lập biên bản, đơn vị sẽ bàn giao cho Ủy ban Nhân dân xã Ninh Loan thực hiện việc tham mưu, ban hành quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, sẽ thu hồi toàn bộ diện tích trên để đơn vị quản lý, bảo vệ và trồng lại rừng.

Tương tự, tại khu vực khoảnh 4 tiểu khu 365 được giao cho hộ nhận khoán là ông Ngô Văn Chung (hiện đã ủy quyền cho ông Đỗ Đình Dũng) cũng xảy ra tình trạng phá rừng.

Cụ thể, trong biên bản ngày 11/6/2021 do Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng lập nêu rõ: Tại vị trí 1 thuộc phạm vi nhận khoán của hộ ông Chung được rà, ủi đường với diện tích 2.000m2.

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra xác định lại hiện trường, diện tích san ủi ông Đỗ Đình Dũng đã cưa hạ 15 cây (dầu, gỗ tạp) và 2 cây tạp đã bị lấy đi, 18 lóng khối lượng 1,6m3 nằm rải rác trên diện tích 2.000m2.

Bên cạnh đó, tại vị trí số 2, giáp ranh hiện trường nhận khoán của ông Chung có 952m2 rừng bị phá, 102 cây (dầu, tạp) bị cưa hạ thành lóng, gom với cành lá để đốt dọn. Đối tượng rừng thuộc rừng phòng hộ, tại thời điểm kiểm tra cũng chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Sau khi lập biên bản, ông Đỗ Đình Dũng đã bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng vào ngày 23/8/2021 về hành vi vi phạm hành chính chuyển 2.000m2 đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên (thuộc khoảnh 4, tiểu khu 365, xã Ninh Loan) sang đất phi nông nghiệp trái phép.

Tuy nhiên, việc cưa hạ 15 cây (dầu, tạp) và 2 cây tạp đã bị lấy đi, 18 lóng gỗ khối lượng 1,6m3 bị thiệt hại hiện nay vẫn chưa được xử lý dù trước đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã có kiến nghị xử lý hành vi này.

Cần xử lý dứt điểm

Mặc dù được nhận khoán bảo vệ rừng nhằm hưởng lợi từ đất rừng nhưng một số hộ dân nhận khoán tại tiểu khu 365 (xã Ninh Loan) lại trực tiếp hoặc gián tiếp lấn chiếm, chặt phá cây rừng.

Các hành vi vi phạm này đã được cơ quan chức năng lập biên bản, thậm chí có quyết định xử phạt nhưng câu hỏi đặt ra là vai trò quản lý của chủ rừng cũng như chính quyền địa phương ở đâu khi liên tục để cho diện tích rừng bị lấn, phá theo năm tháng.

 

Phần diện tích rừng phòng hộ 2.700m2 bị lấn chiếm nằm sát bên ranh đất giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168 của Chính phủ được giao cho hộ ông Lâm Ngọc Khao (ngụ xã Ninh Loan, Đức Trọng) quản lý. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Phần diện tích rừng phòng hộ 2.700m2 bị lấn chiếm nằm sát bên ranh đất giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168 của Chính phủ được giao cho hộ ông Lâm Ngọc Khao (ngụ xã Ninh Loan, Đức Trọng) quản lý. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, khi ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 168, các hộ dân phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng trên đất trống, trồng bổ sung trên rừng nghèo kiệt.

Họ được trồng xen những cây ngắn ngày, chăn nuôi giữa tán rừng, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai giao khoán bảo vệ rừng tại tiểu khu 365 thuộc xã Ninh Loan (huyện Đức Trọng), nhiều bất cập đã phát sinh, còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, phá rừng trái phép.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh, cho biết đối với các diện tích trong ranh giới đất của các hộ nhận khoán mà bị lấn chiếm, sau khi giải tỏa, Ban sẽ trả lại cho hộ nhận khoán tiếp tục trồng rừng chứ không thu hồi. Đối với diện tích ngoài ranh giới nhận khoán bị lấn chiếm, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương lập biên bản xử lý (như trường hợp ông Khao lấn chiếm hơn 6.000m2 đất rừng phòng hộ).

Sau khi có hình thức xử lý vi phạm hành chính, sẽ yêu cầu giải tỏa cây mắc ca và cho trồng lại cây rừng như ban đầu vì đây là phần diện tích rừng thuộc Ban Quản lý.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Loan (Đức Trọng), cho rằng việc giao khoán đất rừng theo Nghị định 168 là hợp đồng giữa chủ rừng và người nhận khoán nên địa phương không nắm được thông tin cụ thể về diện tích cũng như thỏa thuận công việc giữa các bên. Chỉ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, địa phương mới phối hợp với các đơn vị liên quan để lập biên bản có hướng xử lý.

“Khu vực này rất phức tạp và kéo dài nên địa phương chỉ đề nghị chủ rừng xử lý dứt điểm và cho trồng rừng lại. Trường hợp hộ nào không thực hiện tốt như đã thỏa thuận sẽ cho thu hồi để tạo dư luận tốt trong nhân dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương,” ông Tùng cho hay.

Theo Nguyễn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.