Lâm Đồng hiện đại hóa công tác hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi các đồng chí công an huyện về tận buôn làng làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân, người dân ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà rất phấn khởi. Chuyện này không mới, cũng không đặc biệt, nhưng là việc làm thể hiện sự gần dân, lo cho dân, để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên.
Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt.
Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt.
Do đặc thù miền đất cao nguyên, người dân ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra đến trung tâm huyện để làm thủ tục hành chính là quãng đường xa ngái. Nhiều người đọc, viết chưa thành thạo. Hiểu tình hình đó, Công an tỉnh Lâm Ðồng đã giao công an huyện tổ chức các đợt làm chứng minh nhân dân (CMND) lưu động tại những thôn, buôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Những ngày đầu tháng 4 mới đây, khi sáp nhập xã, công an các xã Ðạ Lây, Mỹ Ðức và Ðội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Ðạ Tẻh đã đến tận khu dân cư để điều chỉnh sổ hộ khẩu và cấp đổi CMND cho người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Ðức Ðỗ Văn Thơm, mới sáp nhập xã, người dân lo không cấp đổi kịp thời các loại giấy tờ hành chính sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc làm kịp thời này giúp người dân yên tâm, tin tưởng.
Ở một địa phương còn khó khăn, với hơn 73% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như huyện Lạc Dương, việc xây dựng thành công chính quyền điện tử là sự nỗ lực vượt bậc. Ông Cil Nôm, ở Bon Ðơng 1, thị trấn Lạc Dương, cho biết: "Giờ bà con mình đi làm giấy tờ nhanh lắm. Cán bộ tận tình hướng dẫn nên hiếm khi sai sót". Hiện UBND cấp huyện và cấp xã tại Lạc Dương đã thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Năm 2019, kết quả giải quyết xong trước và đúng thời hạn ở cấp huyện đạt gần 99%, cấp xã 99,7%. "Lạc Dương bắt đầu thực hiện chính quyền điện tử từ đầu năm 2019. Bước đầu xây dựng nền hành chính hiện đại, đồng bộ và liên thông. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả và giảm thời gian, chi phí. Người dân, doanh nghiệp hài lòng với chất lượng phục vụ", Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết.
Ðà Lạt là địa phương dẫn đầu tỉnh Lâm Ðồng trong hiện đại hóa công tác hành chính. Những năm gần đây, địa phương xây dựng chính quyền điện tử gắn với đề án xây dựng thành phố thông minh. Quan điểm của thành phố là lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo trong công tác cải cách hành chính; xây dựng chính quyền các cấp của thành phố "liêm chính, kỷ cương, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân". Từ chỉ số cải cách hành chính xếp hạng thứ chín năm 2018, Ðà Lạt vươn lên dẫn đầu trong 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Ðồng năm 2019. Ðể đạt kết quả đó, thành phố đã chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng bộ phận phục vụ hành chính công, đưa vào hoạt động trung tâm điều hành thông minh; khai thác tốt ứng dụng "Ðà Lạt trực tuyến" để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người dân… Năm 2019, thành phố đã phát đi hơn 570 thư xin lỗi tổ chức, cá nhân về việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Anh Võ Ðình Hợi (công dân phường 7, TP Ðà Lạt), nói: "Tôi rất vui với cách ứng xử của chính quyền thành phố".
Ngành y tế Lâm Ðồng cũng đã xây dựng phong cách, thái độ văn minh, thân thiện trong đội ngũ cán bộ y tế, nhất là y đức, hành vi ứng xử của cán bộ cũng như chất lượng công vụ. Kết quả điều tra xã hội học mới đây cho thấy mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công đạt gần 88%. Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Ðồng Huỳnh Thị Phương Duyên cho biết, thời gian qua, ngành triển khai các phong trào thi đua "xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp; hướng tới sự hài lòng của người bệnh", "thực hiện văn hóa công sở" đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của cán bộ y tế. Bên cạnh đó, ngành có chuyên đề "xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và định kỳ khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh về thái độ phục vụ của cán bộ y tế...
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Ðoàn Văn Việt cho rằng, xây dựng chính quyền thân thiện là thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa chính quyền và người dân ngày càng tốt đẹp hơn; luôn gần gũi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân trên tinh thần vì người dân phục vụ. Tỉnh Lâm Ðồng triển khai đồng bộ công tác cải cách thủ tục hành chính, quy chế dân chủ cơ sở nhằm phát huy vai trò của người dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. UBND tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động đối thoại định kỳ với doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin đại chúng, in-tơ-nét, đường dây nóng. Tỉnh phân công lãnh đạo, cấp ủy về thôn, buôn, tổ dân phố dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Ðoàn Văn Việt khẳng định: "Tỉnh xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị thiếu trách nhiệm, không sát sao với công việc; để cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp".
Quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ, công chức được thực hiện tốt "bốn xin, bốn luôn" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) và phương châm "trọng dân, gần dân, học dân"; "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".
BÀI VÀ ẢNH: BẢO VĂN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm