Đầu giờ chiều ngày 4-11, ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết, ít nhất 40 căn nhà đã bị tốc mái cùng 50ha hoa màu của người dân thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương bị hư hỏng do bão số 12 gây ra.
Cây cối đổ ngổn ngang. |
Hiện tất cả các thủy điện tại Lâm Đồng như Đa Nhim, Đại Ninh… đã xả lũ với lưu lượng gần 100m3/s. Cùng với việc mưa lớn trên diện rộng, khả năng xảy ra lũ quét, ngập úng ở những vùng trũng, thấp phía hạ lưu các sống, suối là rất lớn.
Theo ghi nhận của PV, một số vùng trũng thấp tại huyện Lâm Hà đã bị nước lũ dâng cao gây ngập lụt, cô lập cục bộ. Tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương, nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng đã bị nước dâng ngập, gây hư hỏng. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị nhân dân ở những vùng trũng, thấp nâng cao cảnh giác và không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, để đảm bảo an toàn cho học sinh, viên viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cùng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong ngày 4-11.
Từ chiều tối qua đến sáng nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Nhiều cây cối tại Đà Lạt đã bị gió quật gãy đổ. Đặc biệt, lúc 8h30, một cây tùng cổ thụ khoảng 60 năm tuổi trên đường Yersin, phường 10, TP Đà Lạt đã bị gió giật ngã, đổ ập vào một cửa hàng chuyên kinh doanh gas nhưng rất may vào thời điểm này vị trí cây gãy đổ xuống không có người.
Hiện tỉnh Lâm Đồng chưa ghi nhận trường hợp thương vong về người do bão số 12 gây ra.
Để đảm bảo an toàn, các nhà xe chạy tuyến Đà Lạt - Nha Trang qua đèo Khánh Vĩnh cũng đã tạm ngừng hoạt động để chờ bão tan.
Đến chiều ngày 4-11, trên địa bàn Lâm Đồng mưa gió đã giảm nhưng mưa vẫn đang rất lớn!.
Hoàng Hạnh/nongnghiep