Làm bánh ngọt không sữa, bơ, trứng… cô gái thu về 250 triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cô gái này đã từng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi bắt đầu làm những chiếc bánh thuần chay, phải giữ bí mật với gia đình để nuôi dưỡng đam mê cho đến khi thành công với cửa hiệu của riêng mình.

Anya Trần khởi nghiệp thành công với bánh kem thuần chay. Ảnh: Thượng Hải
Anya Trần khởi nghiệp thành công với bánh kem thuần chay. Ảnh: Thượng Hải
Mang trong mình sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt Nam-Ukraine, những chiếc bánh thuần chay mà Anya Trần (24 tuổi), ngụ tại Q.2 (TP.HCM) làm ra có hương vị vô cùng đặc biệt.
Bánh kem không có trứng, bơ, sữa, phô mai nhưng lại rất ngon
Sinh ra và lớn lên tại Ukraine, năm 2015 Anya trở về Việt Nam tiếp tục chương trình đại học nhưng sau khi ra trường cô lại vô cùng chật vật vì loay hoay mãi vẫn không tìm được hướng đi nào cho bản thân.
“Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, mình thực tập ở công ty và đi làm tình nguyện viên 2 tháng tại Indonesia để mở rộng tầm nhìn nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi nào phù hợp”, Anya kể.
Trong khoảng thời gian ấy, Anya tìm hiểu về lối sống bền vững và biết được vấn đề thực phẩm bẩn nên cô bắt đầu theo chế độ ăn chay thực dưỡng. Một lần, Anya đã thử làm một chiếc bánh kem hoàn toàn không có những nguyên liệu thông thường như: trứng, bơ, sữa, phô mai… cho bữa tiệc sinh nhật của mình.
“Khi bạn bè ăn xong thì rất bất ngờ vì không nghĩ là bánh kem thuần chay và nói rằng nó có vị không khác thậm chí còn ngon hơn bánh thông thường. Mình cảm thấy rất tự hào và trong đầu nảy ra ý tưởng sẽ mở một cửa tiệm bán những chiếc bánh như thế”, cô kể lại.

Những chiếc bánh thuần chay không khác bánh kem truyền thống. Ảnh: Thượng Hải
Những chiếc bánh thuần chay không khác bánh kem truyền thống. Ảnh: Thượng Hải
Anya liền tìm hiểu về thị trường và biết tại Việt Nam loại hình bánh ngọt này vẫn chưa phổ biến dù ở các nước trên thế giới như Nga, Ukraine… đã có rất nhiều cửa hiệu nổi tiếng. Nhận ra đây là một thị trường ngách đầy tiềm năng, Anya vững tin hơn vào con đường mình chọn và bắt đầu khởi nghiệp vào đầu năm 2019.
Chia sẻ về phương pháp làm bánh thuần chay của riêng mình, Anya cho hay: “Vì từ nhỏ mình đã sống tại Ukraine, một trong những xứ sở bánh ngọt của châu Âu, nên mình đã có dịp thử các loại bánh thuần chay và hầu hết các công thức làm bánh đã có sẵn trên YouTube. Mình hay quan sát, học hỏi và lấy nguồn cảm hứng từ những thứ xung quanh, từ đó phát sinh ra được các vị bánh độc đáo, giữ được sự nguyên vẹn của thiên nhiên".

Đa phần các nguyên liệu làm bánh thuần chay đều của Việt Nam. Ảnh: Thượng Hải
Đa phần các nguyên liệu làm bánh thuần chay đều của Việt Nam. Ảnh: Thượng Hải
Điều khiến cho Anya phải trăn trở là làm sao để kết hợp công thức của phương Tây với các nguyên liệu có sẵn tại Việt Nam. Cô cho biết chỉ những nguyên liệu về các loại như: hạnh nhân, óc chó, chà là… phải nhập khẩu, còn lại hoàn toàn của Việt Nam vì nước ta có nhiều nguyên liệu từ trái cây, hạt đa dạng và rất ngon. Đặc biệt là kem làm từ hạt điều mua về ở các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu vì có độ béo tương đồng với kem phô mai hoặc kem từ sữa động vật nên có thể thay thế.
Để làm bánh thuần chay, Anya hoàn toàn không dùng nhiệt. "Tất cả các nguyên liệu đều được xay mịn rồi định hình vào khuôn, kết hợp với các loại trái cây và đưa vào đông lạnh. Để tạo ra nhiều vị bánh khác nhau, mình phải làm thử rất nhiều lần và đôi khi ý tưởng làm bánh còn đến từ những quyển sách, bộ phim hay những dịp lễ đặc biệt như Giáng Sinh, Quốc tế Phụ nữ…" Anya Trần cho biết.
Thuê một góc bếp nhỏ làm "căn cứ" bí mật nuôi dưỡng ước mơ
Nhưng với con đường khởi nghiệp còn khá non trẻ, Anya Trần gặp rất nhiều khó khăn. Để có nguồn tài chính duy trì cho đam mê, cô đã đi dạy thêm tiếng Anh và toàn bộ nguồn thu nhập khi ấy đều dành cho hiệu bánh bằng cả trái tim.

Anya đã chứng minh con đường mình lựa chọn là đúng đắn. Ảnh: NVCC
Anya đã chứng minh con đường mình lựa chọn là đúng đắn. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, con đường Anya đi lại không có sự ủng hộ từ gia đình vì bố mẹ cho rằng cô rất hợp với công việc giảng dạy và việc khởi nghiệp của cô vẫn chưa biết đi được tới đâu. Do đó, Anya đã xin thuê một góc bếp nhỏ ở nhà bạn để tiếp tục làm bánh suốt 1 năm, nơi đó đã trở thành "căn cứ" bí mật nuôi dưỡng ước mơ của cô.
“Mình biết bố mẹ lo lắng cho mình khi nhìn vào hoàn cảnh khó khăn lúc ấy nhưng mình đã cân nhắc rất nhiều nên mới chọn con đường này. Mặc dù mình rất muốn làm điều ba mẹ khuyên nhưng lòng lại bứt rứt khi không được làm những gì đúng với con tim”, Anya bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (52 tuổi), ngụ tại Q.12 (TP.HCM), mẹ của Anya chia sẻ: “Lúc đầu sợ Anya sẽ vất vả nên gia đình mới cấm con làm bánh, thời gian đó con phải giấu việc làm bánh, không dám khoe với bố mẹ. Nhưng khi thấy con nỗ lực nghiên cứu, được bạn bè ủng hộ thì tôi đã chấp nhận rồi dần hỗ trợ và cảm thấy rất vui khi biết con mình hạnh phúc với công việc đang làm”.
Vào tháng 4.2021, Anya cùng với một người bạn đồng hành mở cửa tiệm bánh ngọt thuần chay của riêng mình và hiện có rất nhiều người yêu thích món bánh mà cô làm, đặc biệt là những người trẻ. Hiện tại, mỗi tháng doanh thu của tiệm dao động từ 150-250 triệu đồng.

Học hỏi mỗi ngày chính là bí quyết mà Anya tâm đắc nhất. Ảnh: Thượng Hải
Học hỏi mỗi ngày chính là bí quyết mà Anya tâm đắc nhất. Ảnh: Thượng Hải
Là một trong những khách hàng của Anya, chị Lê Nhi Linh Chi (26 tuổi), ngụ tại Q.2 (TP.HCM) nhận xét: “Anya là một người rất sáng tạo, hầu như mọi lúc gặp Anya đều thấy bạn ngồi mày mò để tìm ra vị mới. Mình rất ngưỡng mộ câu chuyện kinh doanh của Anya, từ một người đam mê ẩm thực chay khi thấy ngon liền chia sẻ niềm vui đó đến mọi người và chứng tỏ được điều mình đang làm là đúng đắn”.
Nói về việc khởi nghiệp của mình với người trẻ, Anya bày tỏ: "Khi các bạn bắt đầu khởi nghiệp điều gì đó thì hãy lắng nghe cảm xúc của mình thật kỹ, xem điều mình sắp làm có tiềm năng để phát triển cũng như có đóng góp và giúp đỡ gì cho xã hội hay cải thiện cuộc sống của mọi người xung quanh không. Có như vậy thì dù bạn thất bại thì với những cố gắng đã được định hướng sẵn sẽ cho bạn nhiều bài học rất bổ ích".
Theo Thượng Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.