Kỳ vọng cây dược liệu ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, việc phát triển cây dược liệu ở Tây Nguyên bước đầu mang lại hiệu quả. Nhưng để không đi vào “vết xe đổ” trồng - chặt như nhiều loại cây trồng trước đây, người dân cần tuân thủ quy hoạch vùng trồng, diện tích và tìm hiểu kỹ thị trường, liên kết chặt chẽ với đơn vị thu mua sản phẩm. 
Hiệu quả bước đầu
Huyện Tu Mơ Rông là một trong 3 vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu của tỉnh Kon Tum với diện tích hiện tại khoảng 1.460ha; trong đó có 741ha sâm Ngọc Linh. Mục tiêu trong năm 2022, huyện sẽ trồng mới 358ha sâm Ngọc Linh và 224ha các cây dược liệu khác như: đảng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử, san nhâm, bo bo, thảo quả… 

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hữu Phúc
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hữu Phúc
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Vương Văn Mười, huyện xác định cây dược liệu là loại cây chủ lực, cũng là cây xóa đói giảm nghèo. Trên thực tế, sản phẩm từ cây dược liệu đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân 7 xã phía Đông của huyện, nhiều hộ dân đã thoát nghèo. Ngoài ra, cây dược liệu hầu hết được trồng dưới tán rừng và sát mép rừng già nên ngoài mang lại giá trị kinh tế cao, còn góp phần bảo vệ rừng hiệu quả. 
Anh A Trung (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, 2 năm về trước, gia đình anh trồng 4 sào mì nhưng thu nhập thấp, mỗi năm chỉ kiếm được khoảng 5 triệu đồng. Sau đó, anh chuyển qua trồng sâm dây trên diện tích này thì thu nhập tăng gấp 12 lần. Sâm dây được anh trồng ra bao nhiêu, các nhà hàng, đại lý thu mua hết bấy nhiêu. 
Tại Đắk Lắk, cây dược liệu được trồng nhiều ở các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Pắk, TP Buôn Ma Thuột với diện tích hơn 5.000ha. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười cho biết, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã chuyển hướng đi mới bằng cây dược liệu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện huyện cũng đang xem xét quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu.
Còn ở tỉnh Gia Lai, đến nay đã phát triển được 1.000ha cây dược liệu. Nhưng theo đánh giá, tiềm năng phát triển cây dược liệu của tỉnh còn rất lớn. Vì vậy, Gia Lai đã có đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu, với mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 5.000 - 10.000ha; đến năm 2030, con số này sẽ là 12.000 - 20.000ha. 
Cần gắn với thị trường
Tuy nhiên, không phải nơi nào, loại cây dược liệu nào cũng mang lại hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là việc sản xuất còn mang tính tự phát, chưa gắn với thị trường. Năm 2017, thấy nhiều người có thu nhập khá nhờ trồng đinh lăng, gia đình anh Phạm Đức Tráng (xã Cư K’nia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã chặt bỏ 3 sào cây cà phê, rồi vay tiền ngân hàng mua 1.000 cây đinh lăng giống về trồng. Tuy nhiên, đáng buồn là 3 năm sau, cây đinh lăng đến mùa thu hoạch thì chẳng thương lái nào chịu mua. Trước tình cảnh dở khóc dở cười này, anh Tráng đành thuê người nhổ bỏ vườn cây đinh lăng để trồng lại loại cây trồng cũ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia Phạm Thị Út cho biết, ngoài cây đinh lăng, nhiều người dân ở xã còn trồng cây sâm đương quy, nhưng vẫn tắc đầu ra. 
Vậy, làm sao để cây dược liệu mang lại hiệu quả bền vững, tránh điệp khúc “trồng - chặt” như nhiều loại cây trồng trước đây? Thạc sĩ Lê Thị Hạnh Phúc, giảng viên Tổ nông - lâm, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cho rằng, cây dược liệu đang là hướng đi mới và mang lại kinh tế cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cũng có không ít người bị thiệt hại do chưa tìm hiểu kỹ kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ mà liều lĩnh phát triển diện tích, nên khi cây bệnh không chăm sóc được, hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Do đó, bà con khi đổi mới cây trồng cần tìm hiểu kỹ khí hậu, thổ nhưỡng của vùng phù hợp với loại cây nào. Ngành chức năng cũng cần khuyến cáo, định hướng, quy hoạch vùng trồng cho người dân.
Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các đơn vị bán cây giống, không để tình trạng doanh nghiệp quảng cáo bán giống rồi sau đó không thu mua, để mặc người dân bị thiệt hại. Quan trọng nhất, là ngành chức năng cần tìm hiểu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, không để tình trạng phát triển mô hình rồi bỏ bê để người dân “tự bơi” tìm đầu ra.
Theo TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), Tây Nguyên là khu vực có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt, phù hợp với đa số loại cây dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển cây dược liệu, người dân cần liên kết với các đơn vị chế biến sâu, các công ty dược để có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, ngoài những cây dược liệu dễ trồng thì cũng có những loại cây khó tính, nếu không có kỹ thuật chăm sóc tốt, cây dễ bị bệnh, không đạt chất lượng, gây rủi ro cao. Người dân khi trồng cần phải tìm hiểu sâu và học hỏi kỹ thuật chăm sóc.
HỮU PHÚC - ĐÔNG NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm