(GLO)- Mới đây, một đồng nghiệp cũ của tôi đăng vài dòng lưu luyến trên Facebook: “Thấy đồng nghiệp ra Trường Sa tặng quà Tết mà lòng thấy nao nao”. Cũng là người từng có chuyến thăm Trường Sa gần 10 năm trước, đọc những dòng trạng thái này, tôi lại thấy bồi hồi, nhớ Trường Sa da diết.
Chuyến đi năm ấy do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, tham gia đoàn có đầy đủ đại diện 54 dân tộc anh em Việt Nam. Đoàn của tỉnh Gia Lai có 22 người, riêng diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San chiếm phân nửa. Chuyến đi như thể hành hương, nên mỗi tỉnh đều có những món quà đặc trưng để tặng quân dân các đảo ở Trường Sa.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung tặng đàn trưng cho quân dân đảo Song Tử Tây nhân chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2011. Ảnh: Q.N |
Hôm trước, một anh bạn trong đoàn chúc Tết 2019 ở Trường Sa về cho biết, những kỷ vật mà các đoàn mang đến tặng quân dân Trường Sa mỗi ngày một nhiều thêm và luôn được bộ đội hải quân lưu giữ trân trọng. Anh cũng nhìn thấy những cây đàn trưng, đàn goong-quà tặng của tỉnh Gia Lai-trên đảo. Nhắc đến mới nhớ về những kỷ vật mà chúng tôi mang tặng những người lính đảo. Năm ấy,đđoàn Gia Lai do ông Măng Đung-khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh-phụ trách. Quà mang đến tặng các cán bộ và nhân dân Trường Sa thật tình rất giản dị, chỉ là sách báo, đặc biệt là những cây đàn làm bằng nứa, lồ ô, vỏ bầu… được các diễn viên đoàn Đam San trình diễn, giới thiệu rồi lưu tặng, nhưng thật sự đã lay động tâm hồn những người lính hải quân về văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.
Tôi vẫn nhớ như in, bên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn, sau nghi lễ tặng bức tranh Biển Hồ-Pleiku thì bất ngờ chị Rơ Chăm HYéo, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, xin lãnh đạo chỉ huy đảo nán lại để chị tặng riêng một món quà cho quân dân trên đảo. Ai cũng hồi hộp xem là quà gì? Hướng về các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống và bảo vệ chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, chị HYéo nói trong xúc động, rằng chị là phụ nữ Jrai, muốn mang tình cảm, tấm lòng của những phụ nữ Tây Nguyên hướng về Trường Sa thân yêu. Thật bất ngờ, quà chị tặng cho Bảo tàng của Trường Sa lại là bộ váy áo phụ nữ Jrai! Chị lý giải, đây là bộ trang phục được làm nên từ chất liệu núi rừng, tượng trưng hơi ấm của người mẹ, người vợ, người em gái luôn bên các anh, những người lính đang ngày đêm trấn giữ biển đảo của Tổ quốc.
Chuyến đi năm ấy, quân số trong đoàn của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đông đảo nhất từ trước đến nay với 11 diễn viên và cả tấn thiết bị phục vụ cho những đêm lưu diễn tại các đảo. Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm đã cùng cháy hết mình với các nghệ sĩ; ca sĩ Bích Mận, Uyên Nhi… cất lời ca “dậy sóng”. Và tiếng đàn goong của nghệ sĩ nghiệp dư Giang Minh Nghi (cán bộ Mặt trận Gia Lai) cũng vang lên đầy thu hút nơi biển đảo. Sau mỗi buổi biểu diễn là nỗi nhớ da diết, luyến lưu. Cảm động nhất là đêm chia tay ở đảo Trường Sa Lớn, cả đảo tiễn đưa đoàn của chúng tôi. Khi tiếng còi tàu kéo lên báo hiệu tàu HQ 996 chuẩn bị rời đảo thì từ đâu bỗng vang lên những câu khẩu hiệu như sóng trào: “Việt Nam!”, “Đoàn kết, đoàn kết!”. Càng bất ngờ hơn khi danh từ “Gia Lai” cũng vang lên, được lặp đi lặp lại, hòa trong tiếng sóng vỗ Trường Sa và tiếng sóng trong lòng mỗi chúng tôi.
Đại tá Lê Bá Dương-nguyên Chính trị viên đảo Đá Tây, Trưởng phòng Dân vận Bộ Tư lệnh Hải quân-khi ấy đã thốt lên: “Gia Lai đã tạo được hình ảnh đẹp trong lòng lính đảo”. Đúng vậy, chuyến đi đã để lại kỷ niệm đẹp và kỷ vật ấm áp không chỉ trong lòng người lính đảo, mà tại các khuôn viên cơ quan trên địa bàn TP. Pleiku sau đó đã có thêm nhiều cây bàng vuông Trường Sa xanh tốt. Riêng tôi, tôi vẫn luôn trân trọng lưu giữ quả bàng vuông mang về từ đảo Nam Yết và những vỏ ốc đại dương được những người lính tặng từ đảo Song Tử Tây, như là “gia bảo” của riêng mình.
Quốc Ninh