Kỹ sư điện tử viễn thông về làng... trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang có việc làm ổn định, cho thu nhập cao ở TP. Hồ Chí Minh,  kỹ sư trẻ Nguyễn Quốc Uy (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đã quyết định về quê... trồng nấm. Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nấm, 9 trại nấm của chàng kỹ sư trẻ đã cho thu lãi 100 triệu đồng/tháng.

Trồng nấm không khó

Giữa năm 2006, Nguyễn Quốc Uy, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử Viễn thông (Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh) và dễ dàng xin được việc làm cho thu nhập cao ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng cuối năm 2010, Uy đột ngột quyết định thôi việc trở về quê trồng nấm. Uy kể: “Trước đó mình đã tìm hiểu và nghiên cứu, thấy rằng trồng nấm có thể giúp mình làm nên sự nghiệp nếu biết quyết tâm và kiên trì”.

 

Nguyễn Quốc Uy bên trại nấm của mình. Ảnh: H.T
Nguyễn Quốc Uy bên trại nấm của mình. Ảnh: H.T

Có được thuận lợi ban đầu nhờ vào quỹ đất của gia đình (trên 1.000 m2), việc đầu tiên Uy bắt tay vào làm là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, xây dựng các trại nấm. Có trong tay số vốn hơn 100 triệu đồng, Uy mạnh dạn đầu tư  dây chuyền sản xuất nấm khép kín, như: máy trộn mùn cưa, lò hấp, bao bì, các loại nguyên liệu… Cùng với đó, Uy tự nghiên cứu, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Bởi theo Uy, trồng nấm quan trọng nhất là công đoạn tưới nước mỗi ngày. “Hiện 9 trại nấm của mình chỉ cần 10 phút là có thể tưới tự động được toàn bộ, vào đúng giờ đó có thể mình đang ngồi uống cà phê với bạn nhưng chỉ cần nhấn nút khởi động là tưới được, sau đó hệ thống tự ngắt. Nếu tưới thủ công, một trại nấm như thế, một người phải tưới cả ngày mới xong. Hơn nữa, trồng nấm không cần vốn nhiều, những hộ nông dân nghèo cũng có thể trồng được, vì nguyên liệu trồng nấm có thể tận dụng, như trồng nấm rơm, nấm mèo chỉ tốn tiền mua giống mà thôi”-ông chủ trang trại nấm cho hay.

Chính vì lẽ đó, Uy đã chọn khởi nghiệp từ nấm. Hơn nữa, theo tìm hiểu, thị trường tiêu thụ nấm rất lớn, không chỉ nấm tươi mà cả nấm khô cũng được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.

Với Uy, mới đầu bắt tay vào trồng nấm, khó nhất là khâu nắm vững kỹ thuật. Dù đã học hỏi những người đi trước, tham quan các mô hình trồng nấm, nhưng không biết bao nhiêu lần Uy cũng phải bỏ đi rất nhiều phôi giống vì nấm không mọc. Sau những thất bại ấy, Uy đã rút ra nhiều kinh nghiệm, theo đó sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như nhiệt độ, độ ẩm, pH, ánh sáng, oxy… “Hơn thế, điều kiện đầu tiên là trại phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là khâu tưới nước phải đảm bảo cho cây nấm phát triển”-Uy cho biết.

Thương hiệu “Nấm Mang Yang”

Sau 5 năm cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, hiện 9 trại nấm của Uy đã xây dựng được thương hiệu “Nấm Mang Yang”, chuyên sản xuất và nuôi trồng nấm sò, nấm mèo và nấm linh chi theo công nghệ nấm sạch.           

 

MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA NGUYỄN QUỐC UY

* Sẵn sàng từ bỏ ngành học được đào tạo để theo đuổi đam mê.
* Tự trang bị những kiến thức cần thiết trước khi bắt tay vào làm.
* Quan sát, học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tiễn để phát triển.
* Nghiên cứu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để ổn định lâu dài.

Nói về kinh nghiệm trồng nấm, Uy cho biết: Sau khi mùn cưa được hấp để diệt các vi nấm có hại thì được đóng vào bịch và treo vào trại, mỗi bịch cách nhau 30 cm và có lối vào để thuận tiện cho việc thu hái. Quá trình thu hoạch mỗi loại nấm cũng có những đặc trưng riêng. Nấm sò thu hoạch mỗi ngày một lần vào sáng sớm, bán cho tư thương với giá 25.000 đồng/kg, bình quân cho thu nhập 2 triệu đồng/ngày. Còn nấm mèo mỗi tháng cho thu hoạch một lần, sau đó phơi khô và bán với giá 80.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tháng số tiền lãi thu về từ các trại nấm đạt 100 triệu đồng. Với uy tín lâu năm, cơ sở Nấm Mang Yang đang cung cấp ra thị trường mỗi ngày 3 tạ nấm sò tươi, chủ yếu bỏ mối cho khách hàng ở TP. Pleiku, thị xã An Khê và tỉnh Kon Tum. Riêng nấm mèo khô, cơ sở Nấm Mang Yang thu mua nguyên liệu của tất cả những cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh để bỏ mối cho các tỉnh trong nước.

Hiện Nguyễn Quốc Uy đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền về thương hiệu “Nấm Mang Yang”. Bên cạnh đó, Uy cũng đã cấy thành công giống nấm linh chi và bán giống cho những cơ sở có nhu cầu, bởi nấm linh chi là loại nấm dược liệu có giá trị thương phẩm cao. Đồng thời, kỹ sư trẻ này cũng đang hướng đến việc bán bịch nấm cảnh đến tới từng hộ gia đình. Khi dùng những bịch nấm này, các gia đình chỉ cần tưới nước mỗi ngày, sau thời gian quy định là thu hoạch.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.