(GLO)- Sáng 10-9, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã tổ chức kỳ họp thứ 10 (bất thường) dưới sự chủ trì của các ông, bà: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tại kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận, thông qua 13 nghị quyết quan trọng.
Động lực phát triển kinh tế-xã hội
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận đối với 13 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Những nội dung này đã được Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chuẩn bị nghiêm túc, chặt chẽ. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thể hiện chính kiến, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để HĐND tỉnh xem xét, quyết định, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Chủ tịch HĐND Dương Văn Trang phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T |
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là xem xét, quyết định những nội dung liên quan đến quy hoạch, đầu tư công như: dự thảo nghị quyết thông qua nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung khu phức hợp Đak Đoa; nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu qua sông Ayun vào xã Ia Yeng (từ quốc lộ 25 đi xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện); phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án: đường Hoàng Sa nối dài (đoạn nối từ đường Trường Chinh đến đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku); đường nối từ quốc lộ 19 đến tỉnh lộ 669 (đi qua các xã Song An, Cửu An, Xuân An, Tú An, thị xã An Khê)…
Bàn về dự thảo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: Vừa qua, UBND tỉnh đã tranh thủ được các nguồn vốn dự phòng của ngân sách Trung ương để trình HĐND tỉnh xem xét triển khai 3 dự án gồm: dự án đường nối từ quốc lộ 19 đến tỉnh lộ 669 với tổng vốn đầu tư thực hiện gần 109 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng 10% trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020; dự án đường Hoàng Sa nối dài với tổng vốn thực hiện 146 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng 10% ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020; dự án cầu qua sông Ayun vào xã Ia Yeng với tổng vốn thực hiện 90 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng 10% ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Nếu chúng ta triển khai được 3 dự án này thì sẽ mang lại một dấu ấn rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và các địa phương có dự án nói riêng trong thời gian trước mắt và lâu dài. Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương có dự án phát triển, các dự án khi hoàn thành và đưa vào sử dụng còn góp phần đảm bảo giao thông đi lại của người dân. Đặc biệt, dự án đường Hoàng Sa nối dài có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,6 km, nền đường rộng 30 m gồm: mặt đường bê tông nhựa rộng 21 m, xây dựng công trình thoát nước và công trình an toàn giao thông trên tuyến. Nếu làm được tuyến đường này sẽ góp phần mở rộng thành phố ra phía Nam và Đông Nam. Đây là tuyến đường rất quan trọng của TP. Pleiku, mang tính chiến lược, tạo ra đường vành đai cũng như tạo ra một không gian mở cho TP. Pleiku phát triển trong thời gian tới”.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Đ.T |
Đối với dự án đường nối từ quốc lộ 19 đến tỉnh lộ 669, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-nêu ý kiến: “Nếu tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Kbang và thị xã An Khê, đặc biệt là 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã phía Bắc thị xã. Tuyến đường hình thành không những giải quyết được khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân mà còn giảm tải được lượng xe đi qua địa bàn thị xã An Khê. Do đó, địa phương rất mong muốn dự án sẽ được triển khai sớm. Phía địa phương cũng sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cũng như tạo mọi điều kiện để giúp cho dự án triển khai một cách thuận lợi nhất”. Được biết, dự án đường nối từ quốc lộ 19 đến tỉnh lộ 669 có tổng chiều dài 20,8 km, tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2019-2020).
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Đối với các dự án đầu tư công, cần nhanh chóng hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Còn việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đường Hoàng Sa nối dài, tôi đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định và trình HĐND tỉnh tại kỳ họp lần sau”.
Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, quyết định việc thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021. Căn cứ chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn tại các đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, TP. Pleiku tiến hành sắp xếp, sáp nhập xã Chư Hdrông và phường Chi Lăng thành phường Chi Lăng; huyện Chư Pah sắp xếp, sáp nhập xã Chư Đăng Ya và Chư Jôr thành xã Chư Đăng Ya. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính này là cần thiết, bước đầu mở rộng quy mô diện tích tự nhiên, dân số của đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tỉnh sẽ còn 220 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 24 phường, 14 thị trấn và 182 xã, giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 0,9%.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Đ.T |
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Sau kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay các nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua; đồng thời đề cao trách nhiệm, nhanh chóng triển khai các nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất. Tôi đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua”. |
Đại biểu Huỳnh Văn Tâm-Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình tại kỳ họp 2 nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu biên chế công chức năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ Nội vụ theo đúng quy định chung của Trung ương và lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh; Nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập lại các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 2 tiêu chí từ 50% trở xuống, gồm 2 đơn vị của TP. Pleiku và 2 đơn vị của huyện Chư Pah đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã. Đối với Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh giai đoạn 2019-2021, đến thời điểm này, cử tri của 4 xã chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập thành 2 xã trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Pah đều thống nhất cao.
Đối với Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh giai đoạn 2019-2021, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang chỉ đạo: “Sở Nội vụ sớm hoàn chỉnh các thủ tục gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai các bước tiếp theo”.
Ngoài ra, tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã xem xét, quyết định những nội dung khác theo quy định của pháp luật như: quyết định thông qua đối tượng khách trong nước được mời cơm áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh; quy định mức chi cho hoạt động tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh; quy định bãi bỏ quy định mức thu lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch ban hành kèm theo Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh; bãi bỏ một số quy định của Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 của HĐND tỉnh về việc phê chuẩn giá đất của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh năm 2015 (áp dụng trong giai đoạn 2015-2019); thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất phát sinh trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh.
Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 10 (bất thường) HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp, các vị đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tham gia biểu quyết thông qua 13 nghị quyết quan trọng.
TRẦN DUNG-QUANG TẤN