Kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum: Mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 10%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
HĐND tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu thu ngân sách đạt 4.600 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên, trồng mới trên 2.850 ha rừng.

Ngày 6.12, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã khai mạc kỳ họp thứ 6.

Ông Dương Văn Trang, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, khai mạc kỳ họp

Ông Dương Văn Trang, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, khai mạc kỳ họp

Tại kỳ họp, bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Theo đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước khoảng 18.900 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây nguyên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,42 triệu đồng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 27.035 tỉ đồng, thu ngân sách Nhà nước ước 4.200 tỉ đồng, tỷ lệ giải ngân ước cả năm đạt 95%. Trong năm qua, Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2.011 tỉ đồng. Tổng giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp khoảng 6.600 tỉ đồng.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới gần 4.930 ha rừng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gần 34.200 tỉ đồng. Tỉnh này cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của tỉnh đạt 98,78%, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí thứ 2 khu vực Tây nguyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Kon Tum vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm như tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách Nhà nước không đạt kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác đấu giá, khai thác quỹ đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Việc ban hành giá đất cụ thể còn chậm; quản lý nhà nước về đất đai có mặt còn hạn chế.

Bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023
Bà Y Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023

Một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, tình trạng thiếu giáo viên dạy học các cấp vẫn còn xảy ra. Tình trạng xây dựng công trình trái phép một số nơi vẫn còn diễn ra; quản lý nhà nước về môi trường có mặt còn hạn chế.

Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản nên các dự án sử dụng từ nguồn thu tiền sử dụng đất chậm triển khai. Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Các dự án trọng điểm có quy mô thu hồi đất lớn, đối tượng phải thu hồi đất nhiều, tính chất phức tạp; đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, một số sở, ban ngành, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chưa được phát huy. Ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, an toàn giao thông, giữ gìn trật tự trị an... của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Bước qua năm 2024, Kon Tum đặt ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 4.600 tỉ đồng trở lên; tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 30.000 tỉ đồng trở lên; trồng mới ít nhất 488 ha cây ăn quả, 200 ha cây mắc ca, 500 ha sâm Ngọc Linh, 1.560 ha cây dược liệu khác; trồng mới trên 2.850 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng (có tính cây cao su) đạt 63,85%; phấn đấu có 1,7 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.