Kỳ 2: Tình nghĩa không phai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bạn đang ngồi cà phê, điểm tâm trong “Pleiku’s Ngon” (đường Lê Hồng Phong)? Nếu chú ý, có thể nhận ra đây không phải là những cái nhà người ta xây lên để làm quán, cũng như chếch về phía trên, bên kia con đường, giờ là quán trà khá nổi tiếng của Phố núi. Những căn nhà ấy vốn là các căn hộ gia đình quan chức chế độ cũ và sau đó là nơi dành cho các vị lãnh đạo của tỉnh Gia Lai, Gia Lai-Kon Tum và sau nữa là của riêng Gia Lai lấy làm nơi hội họp, làm việc, hoặc sinh hoạt cả gia đình...

Đường Lê Hồng Phong ngày nay. Ảnh: Đức Thụy
Một góc đường Lê Hồng Phong ngày nay. Ảnh: Đức Thụy

Một sáng mưa rả rích, thu lu một mình một góc, nhấp ngụm cà phê, tôi lại nghĩ về một thời. Cái thời mà chỉ sau vài tháng Pleiku được hoàn toàn giải phóng, nơi tôi ngồi bây giờ trước đây là một dãy nhà cấp bốn xập xệ, một trong những căn phòng của dãy nhà ấy là chỗ làm việc của tôi, công việc chẳng gì nhiều, sách và báo là thứ mà tôi thường dùng để lấp chỗ trống về thời gian. Nhưng đó là điều không quan trọng, hơn thế mỗi sáng tôi ngồi vào bàn, việc đầu tiên là ngắm mấy cái bông hồng ai đó bí mật cắm vào bên cửa sổ.

Một lối nhỏ chạy dọc theo dãy nhà, nối từ mấy căn hộ bên trong hẻm ra phía con đường lớn-Lê Hồng Phong, tôi đoán “tác phẩm” ấy có lẽ của người nào đó có liên quan đến con hẻm nhỏ này. Không sai. Một, rồi hai, ba hôm liền tôi đến thật sớm, rồi sớm hơn nữa, quả nhiên “cô tiên trong quả thị” đã bị bắt quả tang. Nàng bẽn lẽn với một nụ cười không chuẩn, như người có lỗi, ấp úng những gì mà tôi không thể dịch được, cho dù mình là... cơ yếu thứ thiệt. Từ khi ấy cho đến mấy tuần sau trên cửa sổ phòng tôi không còn thấy những cánh hồng tươi đỏ xuất hiện, và từ ấy cô nàng cũng chẳng còn qua lại mỗi khuya tối, mỗi sáng sớm hàng ngày như trước. Con hẻm nhỏ phía đường Lê Hồng Phong đã bị bịt kín, mấy căn hộ phía bên kia cũng đã không còn chủ cũ. Rồi từ ấy nỗi buồn không tên cứ ám ảnh trong chàng trai mới ngoài đôi mươi một chút...

Đó là dãy nhà phụ dành cho những người phục vụ, từ cơ yếu, thủ kho, thủ quỹ, hành chính quản trị, công vụ; vài năm sau có cả một phòng nhỏ cho phóng viên thường trú Báo Nhân Dân Đỗ Quang Hoàn. Phòng chính khá rộng, chừng ba, bốn chục mét vuông là nơi chỉ dành cho việc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc giao ban đầu tuần của lãnh đạo tỉnh. Từng gương mặt của những người có liên quan đến khu nhà, mỗi lúc như hiện ra trước mắt. Và, tôi chợt nghĩ cũng chính nơi đây đã “sản sinh” ra bao điều thuộc về công việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh nhà ngay từ những ngày đầu sau giải phóng; ưu nhiều, nhưng khuyết cũng không phải ít. Nhưng thôi, miễn bàn, giờ chuyện đã qua rồi.

Cách đây chưa lâu, ngồi với Đỗ Quang Hoàn trong một quán cà phê, cũng trên đường Lê Hồng Phong, nhẩn nha mấy chuyện một thuở. Giờ trông anh như một ông cụ, tuy mới chỉ rời công sở vài năm. Giải thích điều này, anh bảo “bệnh tình hành cho, sao không già được”. Chen vào câu chuyện không đầu không cuối, Văn Công Hùng thi thoảng nhắc đến một nhân vật khá quen thuộc với ai là những người trong cuộc-anh Sô Lây Tăng. Vào thăm chơi với anh em Phố núi mấy hôm, nhà báo Đỗ Quang Hoàn đã dành hai ngày cùng anh Tăng về làng cũ tít tận Đak Glei (Kon Tum). Chuyện anh Tăng với làng xưa của chúng tôi cứ như là chuyện của người trong cuộc. Một Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Kon Tum, anh vẫn như người làng chính cống, mộc mạc, giản dị, chan hòa với mọi người mọi lúc mọi nơi, trừ khi gặp đôi chuyện căng thẳng trong công việc.

“Bây giờ anh ấy yếu lắm rồi, rượu bia cũng không còn là thứ ưa dùng của anh nữa. Làng giờ đã dời ra bên cạnh đường Trường Sơn, khang trang, đẹp đẽ, nhiều nhà khá đầy đủ điện nước, tiện nghi. Bà con của làng có cuộc sống tốt hơn nhiều. Thế nhưng mình thấy như cứ thiêu thiếu cái gì đó không nên hình. Làng cũ tít tận nơi bìa rừng sâu thẳm thuở nào, chưa định canh định cư, cuộc sống còn khổ lắm-à mà mày (từ anh Hoàn hay dùng để chỉ tôi) đã về làng ấy chưa nhỉ-tôi gật đầu, đưa hai ngón tay ra hiệu, anh Hoàn hiểu ý, bảo: hai?... Thế nhưng mỗi lần theo anh Tăng về làng là một lần ấn tượng. Một bên suối, một bên rừng, ở đó làng có những thứ mà cuộc sống hàng ngày của bà con không thể thiếu, chúng từ rừng và từ suối mà ra. Thứ quý nữa mà những người lãng mạn chữ nghĩa văn chương một chút như anh em ta thì đặc biệt là... phong lan, nhiều loài đẹp vô cùng, chúng bám vào những thân cây cổ thụ rủ xuống từng chùm, đến mùa cho hoa với những màu sắc thật là đặc sắc. Rồi những đêm làng chìm trong những âm thanh rừng, trong đó có một loại âm thanh mà một lần nghe là nhớ đời-réo rắt những tiếng đàn ai đó bên cửa nhà sàn, rỉ rả những câu chuyện cũng về làng một thuở quanh những ché rượu cần xứ Đak Glei mà không đâu sánh nổi...”-anh Hoàn chậm rãi nói như chỉ cho mình mình nghe.

Tôi chưa quên trong cái quán trà Cung Đình bây giờ, ngày xưa trong hàng mấy trăm chỗ ngồi mỗi khi có họp hội lớn anh Tăng hay ngồi ở vị trí nào. Vốn là bác sĩ, nên khi chọn chỗ ngồi cho mình trong cái không gian họp hội ấy dường như anh cũng có cách nhìn như của một thầy thuốc. Và chỗ cạnh nơi cửa chính ấy gần như mặc định-đến là sà vào, đặt cái cặp to đùng lên bàn trước mặt như thể vật thay thế rồi rôm rả, tất tả chìa tay cho mọi người bắt đi kèm là những câu quen thuộc của người làng rặt ry. Mới đây, tôi ghé thăm anh ở thành phố Kon Tum, anh rất vui, một bữa cơm chị nhà tự làm, thế mà khách vui như Tết, ngoài chúng tôi ra, anh mời mấy người thân nữa, trong đó có cả Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban, vừa bàn giao công việc cho người khác để nhận việc mới tận Hà Nội. Hà Ban nhất thiết đòi hủy chuyến bay chiều hôm ấy để ngồi lại với anh em chúng tôi. Người xưa bảo, ăn ở nghĩa tình thì tình nghĩa sẽ không phai, đúng lắm!

Như nhớ ra điều chưa nói, hôm ở quán cà phê nọ, anh Hoàn bảo lâu không vào (là anh nói từ Hà Nội vào), giờ Pleiku phát triển nhiều quá. Đường sá, phố phường thay đổi nhanh quá. “Có lẽ lâu lâu anh đến thấy vậy, chứ còn bọn em ở đây nào nhận thấy sự thay đổi ấy”-nhìn sang Văn Công Hùng, tôi bảo thế. Nói là vậy, chứ tôi vẫn biết Pleiku giờ thay đổi nhiều lắm chứ, tỷ như ngay cái ngã tư có cái quán cà phê mấy anh em tôi ngồi, ngã tư Võ Thị Sáu-Lê Hồng Phong ấy, ngày xưa là một cái cổng chào xây kiên cố, nó vừa là nơi có cái bốt gác hai bốn trên hai bốn có Công an trực chiến, nơi mà có lần tôi đã nói, nhà văn Trung Trung Đỉnh cùng Văn Công Hùng vừa bước xuống sau khi dừng xe đạp, một cảnh sát bảo vệ chưa dứt câu hỏi thì Hùng đã... mất lửa, giờ mọi cái đã không còn tồn tại nữa, thay vào đó là những căn nhà khang trang, ngã tư khoáng đãng, người xe tấp nập, quán xá san sát, trên vỉa hè mấy gánh hàng... cóc mà vừa hết giờ công sở đã đông đúc các loại thực khách. Chạy dọc về bốn hướng từ ngã tư này cũng là những quán, những hàng, những hiệu từ cắt tóc gội đầu, cà phê, hàng điện tử, công nghệ, rượu bia, hoa quả nối nhau san sát. Nhưng hơn hẳn vẫn là mấy cái quán to thay chỗ cho những nơi họp hội ngày xưa của lãnh đạo tỉnh, từ “Cung Đình” cho đến “Pleiku’s Ngon” giờ tan tầm mỗi trưa mỗi chiều người xe tấp nập vào ra, cho dù trên cả đoạn đường, cơ quan chức năng đã cẩn thận kẻ những vạch sơn chỉ định chỗ đậu đỗ của các phương tiện nhưng coi ra chẳng đủ chỗ nên thực khách, trà khách vẫn để xe tràn ra cả lòng đường, nghe nói mấy lần họp chi bộ đường phố, mấy người đảng viên phàn nàn, nhưng công việc ấy nào của chi bộ?

Lại nói về cái quán cà phê, chẳng biết vô tình hay hữu ý mà Hùng chọn làm chỗ để mấy anh em tôi ngồi. Gốc của nó là căn hộ của một chủ nhân nghèo nơi Phố núi, bởi nằm trong “vùng cấm” nên căn hộ được hoán đổi, chủ nhân phải ra đi, nó trở thành nơi làm việc của cán bộ y tế chuyên chăm sóc sức khỏe cho những người làm việc trong khu Tỉnh ủy. Rồi cũng chẳng biết dâu bể ra sao, nó lại thuộc về nơi ở của một cặp vợ chồng trẻ một thời, là người viết bài này. Cạnh đó, một nhóm trẻ cũng tồn tại và cũng chỉ dành riêng cho con cháu của những người như đã nói. Những cô cậu nhóc từng được các cô bảo mẫu chăm coi nơi đây, giờ chúng đã thành... cha mẹ của bao đứa trẻ khác. Chủ của cái quán cà phê cũng một thời lớn lên ở ngoại vi “vùng cấm” này, một cô gái xứ dừa đằm thắm lạ, bao chàng trai một thưở vấn vương, rồi kết cục đâu cũng đã lại vào đó, nàng chọn cho mình một tổ ấm và từ ấy cuộc sống bình lặng trôi qua, hạnh phúc đến với họ cùng những khó khăn, thiếu thốn ban đầu lùi về quá khứ.

Chia tay với anh Đỗ Quang Hoàn và Văn Công Hùng, mà tôi vẫn mải mê theo một dòng suy nghĩ về những gì trong câu chuyện không đầu không cuối vừa diễn ra...

Bích Hà

---------
Kỳ tới: Nằm ngửa thấy Trần Kiên.

 

Có thể bạn quan tâm