Kỳ 1: Bạn hay là gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”. Câu nói này áp dụng vào trường hợp gia đình ông Lê Văn Thông (49 tuổi), bà Nguyễn Thị Tám (45 tuổi), trú tại số nhà 506 đường Trần Hưng Đạo (tổ 9 thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) quả chẳng sai tí nào. Gần 2 năm nay, kể từ lúc kết giao với 2 người bạn là ông Mai Hữu Lễ (51 tuổi, trú tổ 1, thị trấn Kon Dơng) và ông Phan Thanh Tình- đội trưởng Đội Cảnh sát phụ trách xã thuộc Công an huyện Mang Yang thì tai họa cứ liên tục đổ xuống gia đình này, đỉnh điểm là chuyện tên tuổi bà Tám bị kẻ xấu đem bêu rếu khắp chợ, khắp thị trấn với những lời lẽ hết sức thô tục…

Họa vô đơn chí

Khoảng đầu năm 2010, thông qua các mối quan hệ, ông Lê Văn Thông quen hai ông Mai Hữu Lễ và Phan Thanh Tình. Cả ba tỏ ra hạp với nhau nên thường đến nhà ông Thông để tổ chức ăn nhậu.

Về chuyện này, bà Nguyễn Thị Tám- vợ ông Thông cho rằng, vì chồng mình vốn hiền lành, sớm hôm phụ giúp việc nhà, việc đồng áng, lo cho các con đàng hoàng để bà yên tâm buôn bán ở chợ thị trấn Kon Dơng nên chiều hoặc tối ổng rủ bạn bè tổ chức lai rai ở nhà bà cảm thấy yên tâm và ủng hộ. Ngoài ra vì chồng bà vốn là nông dân, ít học, nếu được quan hệ với bạn bè có học thức thì tầm hiểu biết vì thế cũng sẽ được nâng lên đáng kể, do đó, đôi khi ở chợ có đồ gì ngon, bà thường mua về để chồng đãi bạn quý.


Ông Thông chỉ kính cửa vỡ. Ảnh: Ngọc Linh
Ông Thông chỉ kính cửa vỡ. Ảnh: Ngọc Linh
Chuyện thiên hạ thái bình này, dè đâu đã nảy sinh mâu thuẫn lớn. Một trong những người vợ của hai người bạn ông Thông cho rằng, chồng mình có quan hệ bất chính với bà Tám nên mới thường xuyên đến nhà ông Thông.

Minh chứng cho vấn đề này, trong thời gian đó, bà Trần Thị Mai- vợ ông Lễ thường xuyên đến sạp hàng của bà Tám ở chợ để chửi bới, lăng nhục bà, gây mất an ninh trật tự. Việc này được những người cùng buôn bán trong chợ và Trưởng Công an thị trấn Kon Dơng xác nhận.

Tưởng rằng chuyện chỉ đến đấy là dừng, thế nhưng vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 24-4-2010, trong lúc bà Tám đang từ cổng chợ thị trấn về nhà thì bất ngờ có 5 người đi trên 3 xe mô tô chặn đường ép ngã xe bà Tám. Sau đó họ không nói không rằng lao vào đánh bà Tám. Trong lúc giằng co, bà Tám đã kéo được khăn bịt mặt một người và nhận ra đó chính là Hoàng Thị Thanh Phúc-  con dâu ông Lễ. Dù bị vạch mặt nhưng nhóm của Phúc vẫn tiếp tục đuổi đánh bà Tám. Cũng may sau đó nhờ được người dân can thiệp nên bà Tám mới thoát thân.  

Chưa dừng lại ở đó, vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 25-9-2010, có hai thanh niên dừng xe máy trước nhà bà Tám vừa quát tháo chửi mắng gia đình bà với những lời lẽ thô tục, vừa xách đá ném vào cửa khiến 2 tấm kính cửa vỡ toang. Vụ việc đã được báo lên cơ quan Công an thế nhưng sau đó lại chìm vào quên lãng vì… không tìm ra thủ phạm.


Chuyển chèo sang… cải lương

Sau hôm bị con dâu ông Lễ tổ chức đánh dằn mặt tại chợ, bà Tám đến báo cơ quan Công an nhờ can thiệp nhưng hơn một tháng sau vẫn không thấy cơ quan này đả động. Đến ngày 7-6-2010, bà Tám viết đơn tố cáo gửi đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh Gia Lai thì ngày 19-7-2010, Công an huyện Mang Yang mới gửi Thông báo số 203/BC đề ngày 19-2-2010 trả lời bà Tám rằng: Đã điều tra về 5 đối tượng đánh bà, đã có trong hồ sơ nhưng do ông Lê Văn Thông là chồng bà Tám đã rút đơn tố cáo nên Công an ra quyết định đình chỉ không giải quyết vụ việc trên.

Vấn đề này bà Tám cho rằng bà là người bị hại. "Ông Thông dù là chồng tôi nhưng bà không làm giấy ủy quyền cho ông Thông rút đơn, sao cơ quan Công an lại cho phép". Từ khi xảy ra vụ việc và kể từ lúc bà gửi 2 lá đơn khiếu nại, Công an huyện Mang Yang vẫn chưa lần nào mời hai bên lên giải quyết, xe cộ là tang vật trong vụ án cũng không tạm giữ. Đến ngày 17-9-2010, Công an huyện Mang Yang mời bà Tám lên làm việc.

Trái với mong muốn của bà, tại phòng làm việc của đội Cảnh sát Điều tra- Công an huyện Mang Yang, đại diện cơ quan chức năng gồm ông Lê Công Khương- Đội trưởng Cảnh sát Điều tra Tội phạm Hình sự, ông Phan Thanh Tình- Cảnh sát phụ trách xã cùng hai thuộc cấp khác đã tiến hành lập biên bản giải quyết vụ việc: Ông Mai Hữu Lễ khai nhận trước Cơ quan điều tra rằng có quan hệ bất chính với bà Nguyễn Thị Tám(?). Ông Lễ khai rằng nhiều lần quan hệ tình dục với bà Tám tại Khách sạn Cao Nguyên và nhà nghỉ Lan Anh ở TP. Pleiku. Một lần khác là tại TP. Hồ Chí Minh, hai người đã lén lút đi trên xe khách Việt Tân Phát nhưng bị một người quen tên là Liên (trú tại thôn Châu Sơn, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) phát hiện. Tuy nhiên, sau đó ông Lễ lại đính chính là đi xe Phú Hưng chứ không phải xe Việt Tân Phát.

Phần bà Tám, bà không công nhận có quan hệ bất chính với ông Lễ. Bà yêu cầu cơ quan Công an điều tra làm rõ chuyện 5 đối tượng tổ chức chặn đánh bà trước chợ theo quy định của pháp luật.

Điều khó hiểu là biên bản giải quyết vụ việc nhưng phần cuối biên bản chỉ có ông Trần Văn Hùng-  cán bộ điều tra ký với tư cách người lập biên bản; phần hai bên đương sự chỉ có ông Mai Hữu Lễ ký. Vấn đề này, bà Tám cho biết: Bà và ông Lễ mỗi người được đưa một biên bản chỉ có chữ ký của ông Hùng, họ yêu cầu mỗi người tự ký vào phần hai bên đương sự bỏ trống. Sau đó, mỗi người giữ một bản. Bản của bà giữ có chữ ký của ông Lễ, còn ông Lễ giữ bản có chữ ký của bà.

Vấn đề này, Luật sư Lê Đình Quốc- Đoàn Luật sư Gia Lai cho rằng: Theo quy định của pháp luật, nếu 2 sự việc có liên quan đến 2 đương sự, khi tiến hành giải quyết phải tách bạch ra làm 2 vụ việc tại 2 biên bản làm việc khác nhau. Bởi, trước khi làm việc, cán bộ điều tra nào dám chắc vụ việc nào sẽ được đưa ra khởi tố hình sự hay chuyển qua án dân sự. Đấy chỉ là biên bản làm việc ban đầu, còn phải có kết luận cuối cùng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nữa.

Việc Cơ quan điều tra Công an huyện Mang Yang dùng một biên bản nhằm giải quyết gộp 2 vụ việc hoàn toàn khác nhau dù đều cùng liên quan đến hai đương sự, liệu đã đúng với quy định của pháp luật?


Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm