(GLO)- Xóa đói, giảm nghèo luôn là mục tiêu quan trọng, là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi địa phương. Vẫn biết thế, song với một huyện vốn sở hữu quá nhiều khó khăn như Krông Pa (Gia Lai) thì để hiện thực hóa bài học nằm lòng ấy xem ra lại là thử thách không nhỏ.
Không khó để lý giải vì sao, Krông Pa là huyện nghèo xếp “thứ hạng” nhất nhì trong tổng số 17 huyện, thị xã, TP của tỉnh Gia Lai. Không được tự nhiên ưu ái ban tặng những điều kiện thuận lợi để phát triển, lại sở hữu vị trí địa lí xa xôi, cách trở. Khốn khó lại càng hiển hiện rõ ràng hơn trong tình trạng hiện nay khi ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn, thử thách chung, người dân trong huyện còn phải hứng chịu nhiều “rắc rối” khác: Cháy chợ, thiên tai, nông sản rớt giá, nhà máy thu mua nông sản chây ì trả nợ, rồi vỡ nợ liên tiếp xảy ra… Khó khăn chồng chất khó khăn. Đương đầu với thử thách của tự nhiên thôi đã là quá vất vả với những người dân làm ăn, sinh sống nơi vùng đất vốn được mệnh danh là chảo lửa. Vậy nhưng, ông trời vẫn muốn thử thách thêm lòng người vùng đất ấy bằng hàng trăm cản lực khác.
Xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang là thách thức không nhỏ ở Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa |
Toàn huyện Krông Pa có 13 xã và 1 thị trấn với 131 thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, có 8 xã vùng III- vùng đặc biệt khó khăn và 5 xã vùng II. Dân số toàn huyện là 75.415 người, tỷ lệ số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 63,55%, trong đó chủ yếu là người Jrai. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 54,16%. Đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 50,43%. Đáng nói, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tới 81,73% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện.
Ông Kpăh Thành- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, chia sẻ: Toàn huyện có gần 162,6 ngàn ha, trong đó có 83,6% diện tích là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết là đất bạc màu, khí hậu lại vô cùng khắc nghiệt. Ba loại cây trồng chủ lực của địa phương là cây mì, điều và cây thuốc lá, ngoài ra còn có một vài loại cây trồng khác nhưng xem ra hiệu quả chẳng là bao: Mè, lúa… Ba “cần câu cơm” chủ lực thì cả ba đều nằm trong danh sách các loại cây… không khuyến khích trồng. Biết làm sao được khi tự nhiên đã định hình như vậy! Với một huyện thuần nông, sự khó trên rõ ràng là thử thách không hề nhỏ cho chính quyền địa phương cũng như những người dân chọn vùng đất chảo lửa này làm nơi làm ăn, sinh sống.
Nghèo đói chính là gánh nặng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: Ảnh: Lê Hòa |
Trước tình hình đó, tỉnh và Trung ương đã dành nhiều sự ưu ái, quan tâm hỗ trợ đầu tư để đồng hành cùng người dân góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến năm 2011, thông qua chính sách cho vay vốn ưu đãi tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tổ chức cho 5.956 lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất với tổng số dư nợ đạt trên 68.259 triệu đồng. Các chương trình hỗ trợ khác như: Hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình 134, 167, chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ chưa có đất hay chương trình hỗ trợ cây-con giống, nước sinh hoạt, đảm bảo dân sinh… đã phần nào tạo tiền đề nhất định cho người nghèo có điều kiện ban đầu để vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo trong tương lai.
Tuy nhiên, trước sự quan tâm ấy, việc giảm nghèo của Krông Pa vẫn là điều không dễ thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nói về điều này, ông Siu Jé- Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, cho biết: Nhiều chính sách hỗ trợ được thực thi song vẫn có đâu đó những chương trình hỗ trợ chưa thật sự sát và phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình phát triển sản xuất hiện tại của người dân. Việc triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ nhiều khi chưa có sự kiểm tra, kiểm soát, đánh giá hiệu quả rõ ràng do việc hỗ trợ chưa gắn với đơn vị quản lý. Chẳng hạn như việc cấp bò giống cho người nghèo chưa gắn với sự theo dõi, đánh giá của đơn vị chủ quản, khiến khó có thể nắm bắt và đánh giá được đúng hiệu quả. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ. Cái khó hiện tại là nhiều hộ dân Krông Pa hiện nay chưa có đất ở, đất sản xuất- dù địa phương đã có chính sách hỗ trợ phần nào. Không “an cư” sao “lạc nghiệp”?
Trở lực lớn nhất của việc đi lên thoát nghèo của Krông Pa- đặc biệt là vấn đề xóa đói, giảm nghèo trong các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số từ trước đến nay chính là tập quán sản xuất của bà con còn lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp, nhỏ lẻ và manh mún, phần lớn phụ thuộc vào sự ưu đãi của thiên nhiên, trình độ canh tác, sản xuất còn rất hạn chế… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả lao động sản xuất, trong khi phần lớn bà con kiếm sống bằng sản xuất nông nghiệp thì vấn đề trên chính là nguyên nhân mấu chốt.
Ý thức tự vươn lên thoát nghèo của mỗi hộ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của công tác xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Lê Hòa |
Ngoài những trở lực chủ quan từ phía con người, trong nhiều năm qua, thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, phức tạp, năm thì nắng hạn kéo dài, năm mưa cục bộ kèm theo gió lốc, lũ lớn, lũ quét, bão… làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả sản xuất và đời sống của nhân dân. Hệ thống giao thông đi lại một số xã Nam sông Ba còn gặp nhiều khó khăn, gây cản trở cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa từ các địa phương về trung tâm huyện. Hàng hóa bị tư thương ép giá, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến thu nhập của người dân bị giảm…
Xóa đói, giảm nghèo là yếu tố cần phải được quan tâm hàng đầu bởi nó tác động trực tiếp đến an sinh xã hội. Trước hàng loạt khó khăn, thử thách ấy, giải pháp nào để chính quyền và nhân dân Krông Pa thực hiện tốt việc xóa cái đói, giảm cái nghèo trong nhân dân địa phương? Ông Siu Jé, nhận định: Huyện đã có những chủ trương phân tích và khoanh vùng địa bàn để có chính sách tác động cho phù hợp. Thực tế, đa số tỷ lệ hộ nghèo cao rơi vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có rừng, do đó, địa phương sẽ có chính sách gắn người dân với công tác quản lý, bảo vệ rừng để vừa bảo đảm giữ rừng, vừa đem lại việc làm, thêm thu nhập cho người dân. Còn với vùng sản xuất khác, vấn đề giải quyết nhu cầu đất ở, đất canh tác và đặc biệt là việc chú trọng nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác cho người dân là yếu tố quyết định trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân.
Ông Jé cũng khẳng định: Quan trọng nhất vẫn là bản thân của mỗi người dân, mỗi gia đình phải xây dựng được ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Không xác định mục tiêu phải chủ động phấn đấu vươn lên trong cuộc sống thì sự tác động từ bên ngoài cũng chẳng thể nào đem lại hiệu quả như mong muốn.
Lê Hòa