Kông Chro ổn định đời sống của các hộ di cư tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ổn định dân di cư tự do ở xã Chư Krey là vấn đề cấp bách để phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện Kông Chro. Thông qua việc triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền trong huyện, cuộc sống dân di cư tự do đã bước đầu có những chuyển biến.
 
Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn xã Chư Krey có 43 hộ với gần 200 khẩu là người dân tộc Dao ở tỉnh Lạng Sơn di cư tự do đến. Những hộ này sống ở giữa rừng, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, đời sống hết sức bấp bênh. Khu vực các hộ dân di cư tự do đang ở không nằm trong quy hoạch bố trí dân cư nên không được đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm. Hàng ngày, con em các hộ này phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ đường rừng để đến trường ở các làng lân cận học tập. Đặc biệt, tình trạng phá rừng, xâm hại đất rừng làm nương rẫy của các hộ dân di cư tự do đang là nguy cơ nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

 

Nhà anh Triệu Tài Hùng, dân di cư tự do tại xã Chư Krey, huyện Kông Chro.Ảnh: L.N
Nhà anh Triệu Tài Hùng, dân di cư tự do tại xã Chư Krey, huyện Kông Chro.Ảnh: L.N

Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhân khẩu, phát triển kinh tế-xã hội, quản lý bảo vệ rừng, an ninh chính trị… của  xã Chư Krey nói riêng và huyện Kông Chro nói chung. Nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh đã đồng ý để huyện Kông Chro bố trí quỹ đất gần trung tâm xã Chư Krey với diện tích hơn 2,6 ha để các hộ đến sinh sống ổn định. Lúc  đầu, các hộ di cư tự do không chịu từ bỏ nơi ở cũ để chuyển ra ngoài.

Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động, các hộ này sau đó đã đồng ý di dời nhà cửa đến khu định cư mới được bố trí tại trung tâm xã Chư Krey. Anh Triệu Tài Hùng-một người dân di cư tự do, cho hay: “Di dời nhà cửa ra nơi định cư mới cũng thấy tiếc vì sinh sống ở chỗ cũ quen rồi. Nhưng thực hiện chủ trương của Nhà nước và địa phương, người dân chúng tôi đồng ý di dời”. Còn anh Triệu Văn Tuấn thì lo lắng cho hay: “Ra nơi ở mới chỉ có mấy nhà thôi, sợ xa vườn, xa rẫy không trông coi được, khó phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Tường Khang-Chủ tịch UBND xã Chư Krey, cho biết: “Thời gian qua, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện,  xã đã thành lập nhiều đoàn công tác để tuyên truyền, vận động các hộ dân tộc Dao ra nơi tái định cư mới. Đến nay, hầu hết các hộ đã hiểu và đồng ý chuyển đi. Bước đầu, tỉnh đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng để xây dựng một trạm biến thế, kéo điện vào khu định cư mới, làm đường bê tông, xây 2 bể nước. Hiện bà con có nguyện vọng được hỗ trợ thêm kinh phí làm nhà để sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đồng thời, họ cũng mong muốn sớm được nhập khẩu, tạo điều kiện vay vốn và hưởng các chế độ của Nhà nước”...

Tình trạng di cư tự do ở xã Chư Krey bước đầu đã được giải quyết, song để người dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, thời gian tới, chính quyền các cấp cần tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu tái định cư cũng như lập phương án bố trí đất ở, đất sản xuất.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.