Kon Tum: Nhộn nhịp "chợ lao động" hái cà phê, làm 1 tháng thoải mái tiền tiêu tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến hẹn lại lên, khi tỉnh Kon Tum bước vào mùa thu hoạch cà phê, người dân lao động ở nhiều nơi đổ về đây xin làm nhân công thu hái cà phê.
Nhộn nhịp chợ lao động hái cà phê
Giữa tháng 11 là thời điểm khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum bắt đầu mùa thu hoạch cà phê. Huyện Đăk Hà được xem là "thủ phủ" cà phê lớn của tỉnh Kon Tum. Chính vì vậy, mỗi năm, nơi đây luôn thu hút một lượng lớn người dân lao động từ khắp nơi đổ về hái cà phê.

Khu
Khu "chợ lao động" hái cà phê tại huyện Đăk Hà nhộn nhịp. Ảnh: Hoàng Lộc
Khu vực ngã 4 Hà Mòn – Ngọc Wang (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) hay còn được gọi với cái tên quen thuộc "chợ lao động" trở thành điểm giao dịch việc làm giữa nhiều lao động ở các tỉnh thành khác nhau với các chủ vườn cà phê – những người cần thuê nhân công hái cà phê.
Theo tìm hiểu, đa số các chủ vườn cà phê ở đây lựa chọn hình thức trả công khoán theo khối lượng thu hái. Giá nhận thu hái cà phê dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/tạ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vụ mùa năm nay, một số lao động ở các tỉnh thành khác không thể lên được. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, khu "chợ lao động" này có rất đông người về đây tìm kiếm việc làm. Họ đi theo từng tốp từ 8-12 người.

Bắt đầu giữa tháng 11, lao động ở địa phương và các tỉnh thành khác lại ngược ngàn lên huyện Đăk Hà để thu hái cà phê. Ảnh: Hoàng Lộc
Bắt đầu giữa tháng 11, lao động ở địa phương và các tỉnh thành khác lại ngược ngàn lên huyện Đăk Hà để thu hái cà phê. Ảnh: Hoàng Lộc
Hỏi ra được biết, những người này đến từ 2 huyện Ba Tơ và Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi. Họ nói rằng, đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi đến đây. Trên xe máy của họ mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc như nồi niêu xoong chảo, chăn màn, áo quần…để chuẩn bị cho một chuyến lao động dài ngày.
Giống như những năm trước đây, vợ chồng anh Phạm Văn Thiêu (41 tuổi) và Phạm Thị Sáu (35 tuổi), cùng quê ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi lên Đăk Hà để hái cà phê vào thời điểm này. Hai vợ chồng đã có "thâm niên" 7 năm thu hái cà phê.
Anh Thiêu kể, vợ chồng anh lên đây đã được 15 ngày. Đi làm ăn xa, hai vợ chồng đành phải gửi hai đứa con, 1 đứa học lớp 9 và 1 đứa học lớp 4 cho ông bà ngoại chăm sóc.

Phạm Văn Tùng (trái) vui mừng khi sắp có tiền để lo cho vợ và đứa con gái 6 tháng tuổi. Ảnh: Hoàng Lộc
Phạm Văn Tùng (trái) vui mừng khi sắp có tiền để lo cho vợ và đứa con gái 6 tháng tuổi. Ảnh: Hoàng Lộc
"Đi làm ăn xa hơi khó khăn, vất vả, dịch bệnh thì diễn biến phức tạp nên tôi cũng khá lo lắng nhưng vẫn phải đi thôi, so với đi làm thuê ở nhà thì công hái cà phê trên đây cao hơn nhiều. Mỗi năm, chúng tôi thường lên đây hái khoảng 1 tháng. Hai vợ chồng nếu làm chăm chỉ thì cũng kiếm được 10-12 triệu đồng/tháng", anh Thiêu cho biết.
Chúng tôi vừa nói chuyện xong, có một chủ vườn cà phê tới trao đổi giá cả thu hái cà phê với anh Thiêu. Sau khi thỏa thuận xong, hai vợ chồng theo người này về nương rẫy.
Hái cà phê thuê kiếm tiền sắm Tết
Chúng tôi tiếp tục đi vào trong các vườn cà phê thì gặp 2 chị em Phạm Thị Tiêm (36 tuổi) và Phạm Văn Tùng (21 tuổi), quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang hái thuê cho chủ vườn ở xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà).

Anh Phạm Văn Vêm (phải) và con trai lên Đăk Hà hái cà phê thuê để có tiền sắm Tết. Ảnh: Hoàng Lộc
Anh Phạm Văn Vêm (phải) và con trai lên Đăk Hà hái cà phê thuê để có tiền sắm Tết. Ảnh: Hoàng Lộc
Tâm sự với chúng tôi, Tùng cho biết, do gia đình khó khăn nên em học hết lớp 9 rồi nghỉ học, sau đó đi làm thuê làm mướn phụ giúp gia đình. 
Khoảng 3 năm nay, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, hai chị em Tùng lại lên Đăk Hà làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho vợ và đứa con gái mới 3 tháng tuổi.
Được biết, mỗi ngày, các lao động phải dậy 6h sáng để nấu cơm ăn sáng và chuẩn bị luôn phần ăn bữa trưa. Đến tầm 7h, họ bắt đầu ra vườn cà phê để bắt đầu công việc. Đến trưa, họ dùng bữa ngay tại vườn cà phê rồi nghỉ ngơi một lát tại vườn trước khi tiếp tục công việc của mình cho đến tối.
Vừa ăn xong bữa cơm trưa, anh Phạm Văn Vêm (50 tuổi) cho hay, theo tiếng gọi của mùa vụ, anh đã dắt con trai Phạm Văn Sừng (22 tuổi) lên đây để hái cà phê thuê.

Bữa cơm trưa ngay tại vườn cà phê của những người lao động. Ảnh: Hoàng Lộc
Bữa cơm trưa ngay tại vườn cà phê của những người lao động. Ảnh: Hoàng Lộc
"Mùa này ở quê mưa liên miên nên đất đai xấu lắm, không thể canh tác được gì hết nên khoảng 4 năm trở lại này, đến mùa thu hoạch cà phê tôi lại lên đây hái thuê. Chủ vườn cà phê ở đây đối đãi với người làm công rất tốt. Họ hỗ trợ chúng tôi chỗ ăn ở ổn định. Mấy anh em yên tâm ở một chỗ này, hái cà phê xong thì tối ngủ lại đây rồi sáng dậy đi làm. Chủ vườn còn ưu ái cho tiền xăng xe, quà cáp trước khi về nữa. Chính vì vậy, hai bố con tôi cố gắng làm lụng để kiếm tiền sắm Tết lo cho gia đình" - anh Vêm chia sẻ.
Đại diện Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Đăk Hà cho biết, vụ mùa cà phê năm nay, toàn huyện có hơn 3.000 lao động ở các tỉnh thành khác đến đây thu hái cà phê, tập trung nhiều ở các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định,…
Khi các lao động đến đây làm việc, các chủ vườn cà phê sẽ báo cáo số lượng người làm tại vườn với UBND các xã, thị trấn để họ nắm bắt và dễ dàng quản lý.
Theo Hoàng Lộc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.