Kon Tum: Người dân thị trấn Sa Thầy bức xúc vì bãi rác gây ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian qua, người dân tại thôn 1 và thôn 5, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, Kon Tum) liên tục phản ánh việc bãi rác của thị trấn gây ô nhiễm môi trường.
Cả bãi rác rộng gần 1 ha với những đống rác chất cao. Ảnh: Đức Nhật
Cả bãi rác rộng gần 1 ha với những đống rác chất cao. Ảnh: Đức Nhật
Theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác thị trấn Sa Thầy nằm cách khu dân cư không xa. Ngay từ cổng bãi rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cả bãi rác rộng gần 1 ha với những đống rác chất cao.
Ngột ngạt "sống chung với rác"
Chị Phạm Thị Lành (ngụ thôn 1, thị trấn Sa Thầy) cho biết, người dân sống gần bãi rác gần như không dám mở cửa nhà vì mùi hôi thối và cả ruồi muỗi.
“Bãi rác này, người ta đốt ngày, đốt đêm ngột ngạt không chịu nổi. Kinh khủng nhất là những lúc rác ướt không đốt được, người ta mang máy ủi vào bới rác lên cho mau khô. Lúc này những xác động vật chết mới lòi ra thối không chịu được. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm”, chị Lành bức xúc nói.
Nhiều người có nhà gần bãi rác đã phải treo biển bán đất, bán nhà để đi nơi khác sinh sống. Những người không bán được nhà cửa đành ở lại “sống chung với rác”. Những hộ gia đình này phải dùng bạt, tôn che chắn khói bụi, mùi hôi và ruồi muỗi bay vào nhà. Không riêng gì thôn 1, nhiều người dân tại thôn 5 cũng chịu ảnh hưởng lớn từ sự ô nhiễm của bãi rác.
 Anh Nguyễn Văn Vũ (ngụ thôn 5) cho biết: “Nhà chúng tôi có con nhỏ nên gia đình đã chủ động đóng kín cửa để ngăn mùi hôi thối, nhưng có nhiều hôm nửa đêm rồi mà mọi người vẫn hít phải mùi hôi thối từ bãi rác bốc ra. Nhiều lúc ngồi trong nhà nhưng ai nấy cũng phải đeo khẩu trang. Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi chắc chắn sức khỏe của người dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng".
Bãi rác để lộ thiên, không xử lý hay phân loại rác Ảnh: Đức Nhật
Bãi rác để lộ thiên, không xử lý hay phân loại rác Ảnh: Đức Nhật
Di dời bãi rác đầu năm 2021 ?
Ông Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, cho biết bãi rác đã được xây dựng hơn 10 năm nay. Ban đầu đây là khu vực không có người ở, tuy nhiên sau đó người dân đến ở xung quanh bãi rác.
Theo ông Sâm, rác thải được thu gom ở thị trấn và nhiều xã nên mỗi ngày có khoảng 7 - 8 tấn rác được chở về đây. Do bãi rác của huyện đã xây dựng từ lâu và không được đầu tư bài bản nên rác thải không được xử lý, phân loại mà được chất thành đống. Huyện cũng đã nắm được phản ánh của người dân nhưng do kinh phí còn eo hẹp nên chưa thể di dời bãi rác đi nơi khác.
“Việc di dời bãi rác không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà phải có kế hoạch và quy trình. Trước mắt, để khắc phục, tôi đã yêu cầu Trung tâm Môi trường và dịch vụ đô thị huyện sử dụng vôi để xử lý, hạn chế mùi hôi thối. Sắp tới, sau khi tình hình dịch Covid-19 ổn định chúng tôi sẽ phối hợp với một doanh nghiệp chở rác về thành phố Kon Tum xử lý. Không cho xe rác đổ tại bãi rác để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Sâm nói.
Ông Sâm cũng khẳng định: Đến đầu năm 2021, huyện sẽ có phương án di dời bãi rác đến nơi khác, cách xa khu dân cư và thực hiện quy trình xử lý rác thải để người dân yên tâm sinh sống.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.