Kon Tum: Càphê xứ lạnh đang dần có chỗ đứng trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cây càphê xứ lạnh Arabica khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại huyện.
Càphê xứ lạnh Arabica tại Kon Tum được đánh giá cao về chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Càphê xứ lạnh Arabica tại Kon Tum được đánh giá cao về chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có gần 3.500 ha càphê xứ lạnh (càphê Arabica); tập trung chủ yếu tại ba huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Với giá trị cao, càphê xứ lạnh Kon Tum đang dần tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cả về chất lượng lẫn số lượng của càphê Arabica, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 5.000 ha và đạt 7.000 ha vào năm 2030.

Giá trị lớn từ càphê xứ lạnh

Huyện Kon Plông hiện đang có khoảng 900ha càphê xứ lạnh. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông, cây càphê xứ lạnh Arabica khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại huyện.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Khang Nông là một trong những đơn vị có diện tích trồng càphê xứ lạnh lớn tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Với 20ha càphê Arabica dòng THA1 và Catimor 5 năm tuổi, mỗi năm công ty thu về gần 4 tỷ đồng.

Ông Đặng Mậu Nghĩa, công nhân kỹ thuật phụ trách mảng sản xuất càphê của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Khang Nông cho biết, toàn bộ diện tích càphê của công ty đều được trồng hữu cơ, chất lượng cao nên năng suất cao, đạt 200 tấn càphê tươi mỗi năm.

Ngoài ra, chất lượng thơm ngon hơn rất nhiều so với càphê robusta nên giá trị cũng cao hơn.

"Hiện, càphê Arabica tươi của công ty luôn được mua với giá từ 17.000-17.500 đồng/kg. Với giá trị kinh tế cao, công ty cũng đang hướng đến mở rộng thêm nhiều diện tích càphê xứ lạnh nữa để nâng cao hiệu quả kinh tế," ông Đặng Mậu Nghĩa chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vị Trí Vàng cho biết hiện tập đoàn đang sở hữu thương hiệu Café de Măng Đen.

Thương hiệu càphê xứ lạnh Măng Đen đã và đang được người tiêu dùng trong nước biết đến, sử dụng nhiều hơn.

Lấy ví dụ, cửa hàng bán càphê của doanh nghiệp này tại Hà Nội đang thu hút khoảng 1.000 khách hàng mỗi ngày. Nhờ đó, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho doanh nghiệp.

"Hiện nay, chúng tôi đang bán càphê xứ lạnh thành phẩm với giá 500.000 đồng/kg, kỳ vọng sẽ tăng lên khoảng 1,6 triệu đồng/kg vào năm sau. Khi giá càphê thành phẩm tăng, chúng tôi cũng sẽ tăng được giá thu mua vào cho bà con, có thể lên đến 50.000 đồng/kg.

Nếu có quỹ đất, dự kiến chúng tôi sẽ phát triển lên 500ha càphê xứ lạnh tại huyện Kon Plông vào năm 2030; trong đó có 50% trồng theo phương pháp Organic, hướng đến xuất khẩu," ông Trần Văn Quỳnh cho biết thêm.

Trong khi đó, huyện Tu Mơ Rông cũng đang có khoảng 1.700ha càphê xứ lạnh. Ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, năng suất càphê xứ lạnh tại huyện đạt từ 1,6-2 tấn nhân/ha, thu nhập cao hơn gấp từ 5-7 lần so với các loại cây trồng khác như lúa, mỳ.

Nhờ đó, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đẩy mạnh đầu tư, phát triển

Theo ông Bùi Đức Trung, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Kon Tum, trong tổng số gần 3.500ha càphê xứ lạnh của tỉnh thì có khoảng 2.800ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 13,4 tạ càphê nhân/ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn.

Vườn càphê xứ lạnh 20ha của Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho thu về gần 4 tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Vườn càphê xứ lạnh 20ha của Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cho thu về gần 4 tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Càphê xứ lạnh Kon Tum cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định số 27138/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 383666 (CÀPHÊ XỨ LẠNH KON TUM ARABICA COFFEE).

Dù vậy, ông Trung cũng cho rằng càphê xứ lạnh Kon Tum hiện sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; một số diện tích trồng trong các hộ dân ít được đầu tư chăm sóc, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật dẫn đến vườn cây càphê sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp.

Ngoài ra, một số hộ dân hiện nay có tập quán thu hái càphê xứ lạnh khi quả còn xanh; thu hoạch "suốt" toàn bộ một lần dẫn đến chất lượng sản phẩm càphê xứ lạnh chưa đảm bảo.

Để phát huy đúng tiềm năng, lợi thế tại những địa bàn phù hợp phát triển cây càphê xứ lạnh, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 1228-KL/TU về chủ trương khôi phục và phát triển càphê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu là phát triển cây càphê xứ lạnhtrên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu "càphê xứ lạnh Kon Tum," góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và tổ chức tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ có 5.000ha càphê xứ lạnh; trong đó, khoảng 80% diện tích trồng theo mô hình càphê sinh cảnh, càphê sinh thái, càphê tuần hoàn và càphê hữu cơ.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ có 7.000ha càphê xứ lạnh; trong đó, khoảng 2.000ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn như UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian và VietGAP...

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư xây dựng ít nhất một nhà máy chế biến sâu; nâng năng suất càphê nhân đạt 20 tạ/ha; giá trị sản lượng bình quân 100 triệu/ha; phấn đấu 100% các hộ sản xuất tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.

"Để thực hiện kết luận về phát triển càphê xứ lạnh của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chăm sóc, cải tạo phục hồi vườn cây hiện có và mở rộng diện tích trồng mới; xây dựng bản đồ nông hóa-thổ nhưỡng để xác định vùng phát triển càphê xứ lạnh phù hợp…

Đặc biệt, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và xuất khẩu càphê xứ lạnh; xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…gắn với khai thác Nhãn hiệu 'càphê xứ lạnh Kon Tum'," ông Bùi Đức Trung khẳng định.

Về phía các địa phương, ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân, tuyên truyền, vận động bà con phục hồi, chăm sóc những diện tích đã có, huyện sẽ sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng như nguồn ngân sách của huyện gắn với triển khai Đề án Phát triển Càphê xứ lạnh.

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông cũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ phát triển được 2.000ha càphê xứ lạnh; trong đó chú trọng phát triển tại 6 xã vùng lạnh của huyện.

Đặc biệt, sẽ hình thành các chuỗi liên kết và các vùng càphê lớn, diện tích từ 50ha đến hơn 100ha để quy hoạch vùng trồng càphê lớn.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.