Kim Phùng Thủy: "Điều quan trọng là có tận tâm, tận lực với công việc hay không"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghề nông vốn rất cực nhọc, người làm nông quanh năm vất vả, chân lấm tay bùn. Phải thực sự có tình yêu với nông nghiệp, người trẻ mới dám bỏ phố về vườn, theo đuổi nghề nông với cái tâm kiên định. Cô gái 9X Kim Phùng Thủy cho chúng ta thấy điều đó khi đến nông trại cà phê Moon’s Coffee Farm (hẻm 1418 Trường Chinh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Cách đây 3 năm, Kim Phùng Thủy từ bỏ công việc với mức thu nhập tốt trong một công ty chuyên sản xuất cà phê đặc sản ở Đà Lạt để trở về Gia Lai. Là người thích thử thách bản thân, cô gái 9X bắt đầu với công việc được cho là nhọc nhằn nhất trong các nghề là làm nông nghiệp. Chị cho rằng cần có người “lĩnh xướng” cho nông nghiệp bền vững ở Gia Lai. Nông trại Moon’s Coffee Farm của chị muốn được làm một hạt giống tốt trong hệ sinh thái nông nghiệp đó.
Không chỉ chuyển dần sang phương thức canh tác bền vững, sản xuất cà phê chất lượng cao, nông trại du lịch của Kim Phùng Thủy còn tiếp nhận hàng chục tình nguyện viên (TNV) mỗi năm, trong đó có những bạn trẻ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi, Philippines đến để thực hành và trải nghiệm cách làm nông nghiệp hiện đại. Hình thái du lịch nông trại thực thụ dần được thành hình tại Moon’s Coffee Farm với các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm làm nông nghiệp và tìm hiểu đời sống của người nông dân ở vùng chuyên canh sản xuất cà phê.
* Kết quả sau 3 năm bỏ phố về vườn mà chị đạt được là gì?
Chị Kim Phùng Thủy thuộc thế hệ nông dân trẻ có tri thức để thực hành nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chị Kim Phùng Thủy thuộc thế hệ nông dân trẻ có tri thức để thực hành nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hoàng Ngọc
- Chị Kim Phùng Thủy: Từ kiểu sản xuất cà phê truyền thống của gia đình, đến nay, tôi đã tiết giảm được 80-85% phân bón hóa học. Ba gạch đầu dòng rõ nhất cho quá trình thay đổi phương pháp sản xuất đó là: không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại; giữ lại thảm thực vật trên bề mặt đất chứ không làm sạch hoàn toàn và canh tác đa tầng theo kiểu vườn rừng.
Về giá trị, khi chuyển dần sang hướng sản xuất hữu cơ, sản lượng cà phê giảm 10-15% nhưng giá trị lại tăng lên gần gấp đôi. Với phương pháp canh tác đa canh bền vững, tức là trồng thêm hồ tiêu, bơ, chuối, chanh dây, sầu riêng... thì trên diện tích 1 ha, giá trị tăng lên chừng 50-60% so với trước.
* Làm thế nào để chị đạt được điều đó?
- Chị Kim Phùng Thủy: 3 sự thay đổi lớn mà tôi tập trung trong giai đoạn vừa rồi và cả trong tương lai, đó là về phương thức canh tác sản xuất, tái thiết nông trại và thay đổi lối sống của người làm nông. Nông nghiệp bền vững áp dụng rất nhiều nguyên tắc, trong đó cốt lõi nhất là làm thế nào để khai thác các hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất, nhưng tác động tới môi trường và các yếu tố phải tiết giảm nhiều nhất. Tôi đang áp dụng dần bộ nguyên tắc đó trong hoạt động sản xuất tại nông trại.
Mô thức thiết kế cho nông trại của tôi hiện có 6 khu: khu sinh hoạt nhà ở, khu sản xuất, khu sân phơi, khu chăn nuôi, khu sinh thái, khu còn lại chính là toàn bộ cây cối bao quanh. Mỗi giai đoạn tôi tập trung cải tiến 1 khu. Đối với 1 nông trại bền vững thì đó phải là một hệ thống thực sự lành mạnh và tự nuôi được bản thân nó.
Tôi cũng muốn dẹp bỏ những định kiến về nghề nông bằng chính sự tồn tại của bản thân và Moon’s Coffee Farm. Nông nghiệp là một ngành cốt rễ, tạo ra những giá trị căn bản trong đời sống. Nhưng một số người cho rằng đây là nghề vất vả, cơ cực, tạo giá trị mỏng, địa vị xã hội thấp và con gái không nên chọn nghề cực nhọc chân lấm tay bùn như vậy. Tôi quan niệm giá trị của nghề nghiệp không nằm ở bản thân cái nghề, mà ở cách người làm nghề. Chỉ cần mình tận tâm, nhiệt thành, nghiêm túc với những gì mình làm thì cho dù là việc nhỏ nhất cũng có giá trị. Khi dẹp bỏ được định kiến về nghề nông sẽ thu hút được nhiều trí thức trẻ Gia Lai trở về để cùng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại cho quê hương.
* Điều gì thách thức nhất với một cô gái thế hệ 9X như chị khi bắt tay làm nông nghiệp bền vững?
- Chị Kim Phùng Thủy: Mất 8 tháng, tôi mới quyết định rũ bỏ hoàn toàn mọi hào nhoáng để trở thành một nông dân thực thụ. Tức là từ bỏ chuyện mặc đẹp, đi giày cao gót, trình diễn pha cà phê trong các sự kiện đông người để sống hòa mình với ruộng vườn, chuyên tâm với nông nghiệp.
Tuy nhiên, bỏ phố về vườn không màu hồng như nhiều người nghĩ, nó khốc liệt và đòi hỏi bản lĩnh lẫn sự kiên định rất lớn. Quan trọng là mình có tận tâm, tận lực với công việc hay không vì nghề nào cũng có khó khăn riêng. Tôi là người rất thích thách thức bản thân. Ví dụ trước đây, tôi thuận tay trái, tôi viết tay trái thì bị đánh. Khi lớn, tôi phát hiện mình không làm gì sai và quyết định trở lại viết tay trái. Bây giờ tôi thuận cả hai tay. Nếu gặp khó khăn mà thoái chí thì không chỉ làm nông mà làm bất cứ công việc nào cũng không thể đi đến cùng.
Moon's Farm Coffee thường xuyên đón các đoàn khách đến trải nghiệm du lịch nông trại. Ảnh: Hoàng Ngọc
Moon's Farm Coffee thường xuyên đón các đoàn khách đến trải nghiệm du lịch nông trại. Ảnh: Hoàng Ngọc
* Nông trại của chị còn có những dự án phi lợi nhuận. Vậy đó là những hoạt động gì?
- Chị Kim Phùng Thủy: Ở nông trại chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các TNV khắp nơi trong cả nước và người nước ngoài để trao đổi các giá trị sống. Các TVN ở nông trại tối thiểu 1 tuần, tối đa 4 tuần, được cung cấp thức ăn, chỗ ở, không gian sống yên tĩnh, trong lành. Ngược lại, TVN sẽ làm việc 6-8 tiếng mỗi ngày, tức là dùng thời gian và sức lao động đổi lấy thức ăn, chỗ ở và sự trải nghiệm, thực hành làm nông nghiệp sạch. Bản thân tôi và gia đình cũng có thể tiếp cận với những tư tưởng mới, tri thức mới, tính cách mới, phẩm vị mới từ TVN và giao thoa nguồn năng lượng tích cực.
Các TNV nước ngoài còn truyền cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ em trong vùng. Lần gần đây nhất, 1 TNV người Ấn Độ đến đây 1 tuần và có những buổi trò chuyện, giao tiếp với trẻ em tại địa phương thông qua nhiều hoạt động tại nông trại. Hay các bạn bè đến từ Nam Phi, Philippines nấu những món ăn bản địa của họ. Chúng tôi có sự chia sẻ, giao lưu văn hóa, trao đổi về nông nghiệp các quốc gia để học hỏi lẫn nhau.
Chương trình TNV còn mở con đường thu hút luồng cư dân trẻ về Gia Lai. Ít nhất trong số mấy chục TNV từ khắp nơi từng ở và làm việc tại nông trại, họ biết Gia Lai có những mô hình nông nghiệp bền vững như vậy. Nếu có người hứng thú, họ có thể về đây làm việc lâu dài. Mới đây có 1 TNV đang học ngành Tài chính-Ngân hàng và ấp ủ thiết kế hệ thống tài chính phù hợp với hoạt động nông nghiệp. Người này muốn đi sâu vào mô hình nông trại để hiểu bản chất của hệ thống tài chính đối với ngành nông nghiệp. Đây cũng có thể là hạt giống nhân lực sau này cho các mô hình nông trại bền vững ở Gia Lai.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
HOÀNG NGỌC (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.