Kiểm tra tất cả các xưởng gỗ sau vụ cây bị đốn hạ ở "Đà lạt 2"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi báo chí phản ánh cây bị cưa hạ la liệt trong thời gian dài ở Măng Đen, nơi được mệnh danh là “Đà Lạt 2”, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chỉ đạo kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp.

 Hiện trường vụ việc
Hiện trường vụ việc



Ngày 13-3, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã có công điện gửi UBND huyện Kon Plông, Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT, Công an tỉnh về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Kon Plông.

Theo công điện, thời gian qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật ngày càng phức tạp và thường xuyên xảy ra các vụ chặt phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Mới nhất là vụ cưa hạ 26 cây gỗ ở tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen, gây bức xúc trong dư luận.

 

Cây gỗ bị cưa hạ chưa chở đi
Cây gỗ bị cưa hạ chưa chở đi.


Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm căn cứ vào vụ việc để khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ các đối tượng khai thác gỗ trái phép, số lượng gỗ khai thác trái phép đã đưa ra khỏi hiện trường ở khoảnh 11, tiểu khu 486.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuần tra, truy quét các điểm nóng, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

 

Gỗ bị cưa xẻ
Gỗ bị cưa xẻ.


Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu UBND huyện Kon Plông chỉ đạo Công an huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp; đồng thời trong quá trình kiểm tra, xác định và xử lý dứt điểm đối với lâm sản nếu có liên quan đến vụ phá rừng ở tiểu khu 486 và các hồ sơ lâm sản không còn phù hợp giữa khối lượng lâm sản thực tế và hồ sơ.

Trước đó, vào ngày 17-1, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản 145 về quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh nêu rõ: “Địa phương, đơn vị nào để để xảy ra tình trạng xâm hại rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”.

 

La liệt gỗ bị cưa hạ
La liệt gỗ bị cưa hạ


Như Báo SGGPO đã phản ánh, tại tiểu khu 486, thị trấn Măng Đen xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng với 26 cây gỗ bị đốn hạ. Một phần gỗ đã được cắt và chở khỏi hiện trường. Khối lượng gỗ thiệt hại ước tính 40m³. Ngoài vụ việc nghiêm trọng này, thời gian qua, huyện Kon Plông xảy ra nhiều vụ phá rừng khác.

Theo HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.