Kiểm soát chặt, chặn doanh nghiệp FDI đầu tư "núp bóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiện người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam tăng kỷ lục, nhưng do không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký đầu tư nên dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), việc này là cần thiết để cơ cấu lại chính sách, gạn đục khơi trong luồng vốn và xử lý các vấn đề phát sinh. 
Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết mà Bộ Chính trị ban hành là rà soát vấn đề an ninh quốc phòng đối với các dự án FDI, đặc biệt ở các khu vực, lĩnh vực nhạy cảm.
Hiện nay, pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng, nên chuyện người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt là có, việc rà soát an ninh quốc phòng là điều bình thường. 
 
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau cấp phép nhằm đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết.
Theo đó, “việc rà soát, cấm cấp phép, thậm chí rút dự án có ảnh hưởng an ninh quốc phòng được nhiều nước làm, trong đó có các nước như Mỹ, EU. Một loạt công ty công nghệ cũng đang bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước phát triển Mỹ và EU vì lo ngại vấn đề an ninh”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Theo báo cáo Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam” của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện có 25 văn bản Luật, dưới Luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và có liên quan đến lĩnh vực này của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam. 
Từ năm 2016 đến tháng 10-2019, đã có 11.595 dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 69,29 tỷ USD. Trong giai đoạn này, số vốn giải ngân tăng đều qua các năm, từ 14,5 tỷ năm 2015, tăng lên 15,8 tỷ năm 2016, 17,5 tỷ năm 2017 và 19,1 tỷ năm 2018. Đây là mức tăng kỷ lục về vốn thực hiện trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhìn nhận, ở Việt Nam xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư núp bóng với nhiều hình thức như lẩn tránh thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm an ninh - quốc phòng. Nếu việc giám sát quốc phòng, an ninh minh bạch sẽ không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. 
Theo đó, có nhiều cách để sàng lọc DN FDI núp bóng như xác định tư cách và tài chính của nhà đầu tư trước khi cấp phép dự án. Hiện tại, các công cụ để tiền kiểm rất khó thực hiện. Vì vậy, cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm bằng cách theo dõi các báo cáo của DN FDI, phát hiện phân tích rủi ro trong ngành.
Theo ông Vũ Đại Thắng, sau 30 năm thu hút FDI, cơ chế ưu đãi đầu tư thực sự có những cái lạc hậu, tập trung theo chiều rộng, chứ không theo chiều sâu. Thời gian tới, cần thay đổi cách tiếp cận, chỉ ưu đãi phần giá trị gia tăng làm trên đất nước Việt Nam, ưu tiên kết nối với doanh nghiệp trong nước... 
Tuy nhiên, những DN chỉ nhập khẩu máy móc, nguyên liệu về gia công, xuất khẩu cần được xem lại, không nên cho ưu đãi. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 50 Bộ Chính trị yêu cầu phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.
Để kiểm soát vấn đề đầu tư “núp bóng”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát như: Cấm cá nhân, tổ chức người Việt đứng tên hộ người ngước ngoài trong giao dịch đất đai. Kiểm soát hoạt động tín dụng, cho vay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Ban hành điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần. Bổ sung các quy định về điều kiện an ninh - quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện.
Theo đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư, trong đó có khái niệm về đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định; danh mục ngành nghề không thu hút hoặc hạn chế áp dụng riêng đối với đầu tư nước ngoài. 
Ủy ban này cũng đề nghị sửa đổi khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài”, kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT rà soát các quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ, tiếp tục luật hóa theo cam kết quốc tế, tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phan Đức (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.