(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến hết tháng 7-2012, cả nước đã có 39.879 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) ở 52 tỉnh, thành phố; đã có 26 trường hợp tử vong. Nhiều nhất là khu vực miền Nam với 35.374 người mắc, tiếp đến là miền Trung 3.593 người, Tây Nguyên có 393 ca và thấp nhất là khu vực miền Bắc có số bệnh nhân mắc thấp nhất 337 ca. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc tăng 35,3%.
Riêng Gia Lai, trong 8 tháng đầu năm đã có 11 huyện, thành phố có bệnh nhân mắc SXH, với 331 ca và có 1 trường hợp tử vong (Đức Cơ). Đến nay, SXH được ghi nhận tại Đức Cơ với 159 ca, Krông Pa (59 ca), Pleiku (53 ca), Chư Pưh (36 ca), Chư Sê (9 ca), Đak Đoa (6 ca)… Các địa phương có số bệnh nhân tăng đột biến như: Đức Cơ tăng 53 lần, Chư Pưh và Chư Sê tăng 3 lần, Pleiku tăng 2 lần…
Tẩm màn phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: N.T |
Nguyên nhân chính là vào giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản mạnh, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là việc người dân chưa chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) mà chỉ muốn phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành. Do đó, các chỉ số mật độ muỗi, loăng quăng không giảm sau các đợt phun hóa chất nên dịch chưa chấm dứt triệt để.
Thói quen nằm ngủ không mắc màn cũng tạo cơ hội cho muỗi truyền bệnh. Thêm một nguyên nhân khác nữa là chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc phòng-chống dịch bệnh. Khi tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường và phun hóa chất không đồng đều giữa các địa phương trong vùng có dịch. Vì vậy, dịch vẫn phát tán từ vùng này sang vùng khác.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phân bổ cho các trung tâm y tế còn chậm dẫn đến việc triển khai hoạt động phòng-chống dịch không đúng kế hoạch. Tiền thuê nhân công phun hóa chất thấp (60 ngàn đồng/ngày) cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng dịch chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, ở các xã trọng điểm, tiền hỗ trợ cho các cộng tác viên còn quá thấp (50 ngàn đồng/tháng) nên nhiều cộng tác viên chưa nhiệt tình trong công tác truyền thông cộng đồng.
Ông Phạm Quốc Bảo-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: “Để hạn chế dịch SXH lan rộng, trong giai đoạn tới Trung tâm tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch, phát hiện vùng dịch mới, vùng có nguy cơ cao, tổ chức phòng dịch tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời cử cán bộ y tế dịch tễ trực tiếp xuống cơ sở tham gia công tác phòng dịch. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về các biện pháp phòng và chống dịch SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mới đây nhất, tại Hội nghị tăng cường phòng-chống bệnh SXH do Sở Y tế tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung đã yêu cầu ngành Y tế cần chủ động, tăng cường trách nhiệm trong công tác phòng-chống bệnh SXH tránh để dịch bùng phát mạnh, lây lan sang các địa bàn khác, cũng như tăng cường giám sát, khoanh vùng để khống chế dịch, hạn chế bệnh nhân tử vong đến mức thấp nhất.
Nguyễn Tú