Khởi tố vụ khai thác thông cổ thụ quý hiếm trong rừng phòng hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, quy định tại điều 232 Bộ luật hình sự, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra (CQĐT) xử lý.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, ngày 18/4, Cơ quan này đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, quy định tại điều 232 Bộ luật hình sự; chuyển hồ sơ sang CQĐT Công an huyện để thực hiện bước tố tụng tiếp theo.
Trước đó, vào sáng ngày 15/4, tại khu vực Cổng Trời, xã Lát, huyện Lạc Dương, các cơ quan chức năng và chủ rừng đã bắt quả tang xe ô tô bán tải BKS 49C-15.135 do Nguyễn Đăng Linh, SN 1984, trú thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, điều khiển và Lương Ngọc Quang, sinh năm 1983, trú P.6, TP. Đà Lạt, chở nhiều lóng gỗ có đường kính trên dưới 1 m.
Số gỗ này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
 
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường. Ảnh: KL. 
Qua khai thác, các đối tượng khai nhận đã khai thác số gỗ trên tại khu rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 110, xã Lát, thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, số gỗ các đối tượng vận chuyển được khai thác từ 2 cây gỗ, một là thông hai lá dẹt đường kính gốc 1,1m, khoảng 100 năm tuổi, cây còn lại là bạch tùng, đường kính gốc hơn 60 cm. Khối lượng gỗ tròn thiệt hại theo tính toán khoảng 13 m3.
Riêng thông hai lá dẹt (tên khoa học Pinus krempfii) thuộc nhóm IIA, nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ.
Đây là loài đặc hữu, nguồn gen quý, hiếm và độc đáo của Việt Nam và chỉ mới tìm thấy phân bố diện hẹp tại Khánh Hòa và Lâm Đồng, trong đó tập trung nhất tại Cổng Trời, xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng; loài cây được nhiều nhà thực vật học trong nước và nước ngoài quan tậm. Mức độ đe dọa bậc R- có thể bị đe dọa tuyệt chủng do thu hẹp môi trường sống là rừng.
Thông lá dẹt ở khu rừng cấm Cổng Trời được xem là đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Văn Nguyễn (BVPL) 

Có thể bạn quan tâm