Khách du lịch tham quan vườn hoa trong festival Hoa Đà Lạt. |
Bước đầu sự liên kết này đã mang lại nhiều hiệu quả.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch Bình Thuận cho biết chương trình hợp tác liên kết giữa 3 địa phương đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Lâm Đồng, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch mới phục vụ du khách. Bình Thuận hiện có 253 dự án đầu tư với tổng vốn trên 37.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh. Bình Thuận cũng có 3 dự án đầu tư vào Lâm Đồng với tổng số vốn đăng ký 80 tỷ đồng…
Lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận- Lâm Đồng- Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2008, hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 3 địa phương đã chủ động phối hợp vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí… tham gia thực hiện chương trình “Ấn tượng Việt Nam,” liên kết để giảm giá buồng phòng, tăng cường công tác giới thiệu quảng bá và xúc tiến gắn với các chương trình khuyến mãi giảm giá của các doanh nghiệp, các công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận-Lâm Đồng được quảng bá thông qua nhiều sự kiện lớn.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn khách quốc tế khảo sát, tìm hiểu thị trường, sản phẩm du lịch và cơ hội đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Lâm Đồng; tích cực tham gia vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia hội chợ, sự kiện du lịch của các địa phương như Lễ hội Nghinh Ông- Bình Thuận, festival Hoa Đà Lạt, lễ hội Trà tại Lâm Đồng cũng như tạo điều kiện để các địa phương tham gia vào các sự kiện du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Với sự liên kết này, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng, Bình Thuận từ các công ty lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh luôn được duy trì và ngày càng phát triển đạt 45%, tổng lượng khách. Trong năm qua, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã góp phần phát triển các tour du lịch từ Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Thuận và các địa phương lân cận tăng mạnh.
Theo ông Ngô Minh Chính, liên kết “tam giác du lịch” đã tạo ra nhiều thuận lợi cho tỉnh nhà phát triển du lịch. Một trong những nội dung liên kết phát triển luôn được “tam giác du lịch” quan tâm là hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò trung tâm khi thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho Bình Thuận và Lâm Đồng. Thành phố Hồ Chí Minh còn giới thiệu các cơ sở đào tạo uy tín để liên kết bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo nhu cầu của các địa phương…
Bên cạnh việc chủ động hợp tác trong quảng bá, xúc tiến đầu tư, ngành du lịch 3 địa phương còn cùng nhau xây dựng và phát triển các tuyến điểm du lịch, thiết kế và khai thác các tour du lịch đặc trưng vùng miền. Trong đó, tour du lịch kết hợp biển-rừng-mua sắm nối kết 3 trung tâm du lịch Bình Thuận- Đà Lạt- Thành phố Hồ Chí Minh được xem là tour du lịch nội địa hấp dẫn và khai thác hiệu quả nhất hiện nay.
Theo TTXVN