Khởi sắc làng Ktu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, giờ đây, đời sống của người dân làng Ktu (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đang ngày càng khởi sắc. Số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm 40%.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số mô hình sản xuất của các hộ dân trong làng, ông Quêt-Trưởng thôn Ktu-cho biết: Trước đây, đa số bà con chỉ biết trông vào các cây trồng ngắn ngày như bắp, lúa rẫy, mì và bời lời nên thu nhập thấp. Bên cạnh đó, phần vì thiếu vốn, kiến thức và kỹ thuật canh tác, phần còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, cây-con giống, phân bón và tham gia các mô hình kinh tế mới như: nuôi heo rừng lai, bò sinh sản, trồng lúa J02... mà bà con có điều kiện phát triển sản xuất, đặc biệt là khai thác lợi thế về đất đai, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng giống mới để tăng năng suất. “Đến nay, làng đã có 120 ha cà phê, 11 ha hồ tiêu, gần 60 ha lúa nước 2 vụ và một số diện tích cây ăn quả như bơ, chanh dây, sầu riêng; ngoài ra còn có gần 1.500 con gia súc, gia cầm. Hộ nghèo trong làng giảm còn 17/116 hộ, hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm 40%”-ông Quêt thông tin.
 Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình ông Blam đã phát triển tốt hơn. Ảnh: N.H
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình ông Blam đã phát triển tốt hơn. Ảnh: N.H
Đưa chúng tôi thăm vườn cà phê đang trĩu quả của gia đình, ông Blam cho biết: Trước đây, gia đình ông có 2 ha đất đồi nhưng vì không có vốn và kỹ thuật nên chỉ trồng bời lời. Thời gian gần đây, nhờ được tham quan một số mô hình sản xuất hiệu quả và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, ông mạnh dạn chuyển sang trồng hồ tiêu và cà phê. Cách đây 4 năm, khi vườn cây cho thu hoạch, ông bán sản phẩm mua thêm đất để mở rộng diện tích, đồng thời chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập. Đến nay, gia đình ông có 3 ha cà phê, 600 trụ hồ tiêu, 8 con bò và 1 ha lúa nước. Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi 150-200 triệu đồng. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập”-ông Blam chia sẻ.
Tương tự, cách đây khoảng 8 năm, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích bời lời và cây trồng ngắn ngày sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao mà đời sống gia đình ông Hrâm được cải thiện đáng kể. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu gần 400 triệu đồng từ 6 ha cà phê, 600 trụ hồ tiêu, 6 sào lúa nước. Ngoài ra, sau nhiều lần xuất bán, gia đình ông vẫn duy trì 4 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi và lấy phân bón. Nhờ có thu nhập ổn định, ông xây được nhà ở khang trang, nuôi 2 đứa con ăn học đầy đủ, trong đó người con đầu đang theo học đại học tại TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, ông còn giúp đỡ người dân trong làng bằng việc cho mượn tiền mua phân bón không lấy lãi, cho vay hoặc cho không gạo mỗi mùa giáp hạt. “Gia đình mình cũng từng có giai đoạn làm không đủ ăn. Vì vậy, giờ kinh tế ổn định hơn thì mình giúp người khác để họ cũng tiến bộ với mình”-ông Hrâm bày tỏ.
Cùng với phát triển kinh tế, người dân làng Ktu còn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt quy ước, hương ước của làng. Đến nay, làng có 80 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 3 năm liền làng đều đạt danh hiệu làng văn hóa. Từ năm 2018 đến nay, dân làng đã đóng góp trên 30 triệu đồng, 350 ngày công xây dựng, sửa chữa đường giao thông, kênh mương nội đồng, nâng cấp đường điện, xây dựng giọt nước. Nói về định hướng phát triển, ông Quêt cho rằng, thực tế đời sống của bà con vẫn còn gặp một số khó khăn do năng suất cây trồng không ổn định, đầu ra các mặt hàng nông sản bấp bênh. “Thời gian tới, làng Ktu sẽ tiếp tục đoàn kết, xây dựng các tổ, nhóm để giúp đỡ nhau về ngày công, kinh nghiệm phát triển sản xuất. Làng cũng mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, cây-con giống, tìm đầu ra ổn định cho nông sản và cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội đồng”-ông Quêt cho hay.
Theo ông Phạm Xuân Phúc-Chủ tịch UBND xã Kon Gang, thời gian tới, ngoài tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, cây-con giống, xã cũng sẽ tận dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước giúp làng Ktu đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông để phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm