Khởi nghiệp với khổ qua rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở tuổi 36, chị Lương Thị Mỹ Huệ (ngụ TT.Đăk Tô, H.Đăk Tô, Kon Tum) đã chấp nhận nghỉ việc nhà nước để ra riêng và bắt đầu khởi nghiệp với khổ qua rừng, một loài cây bản địa.
Chị Huệ (bìa phải) kiểm tra nông dân thu hái khổ qua rừng ẢNH: GIA HƯƠNG
Chị Huệ (bìa phải) kiểm tra nông dân thu hái khổ qua rừng ẢNH: GIA HƯƠNG

Theo chân chị Huệ, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ (55 tuổi, ngụ TT.Đăk Tô), người đầu tiên cùng chị Huệ ký kết bao tiêu sản phẩm khổ qua rừng. Phải mất chừng 15 phút chui luồn dưới giàn khổ qua rừng trĩu quả, chúng tôi mới tìm được 5 nhân công của gia đình ông Tỵ đang thu hái quả khổ qua rừng.

Kể cho tôi nghe về việc trồng và phát triển diện tích khổ qua rừng như ngày hôm nay, ông Tỵ cho biết gia đình ông và chị Huệ đã ký kết thỏa thuận trồng 3 sào khổ qua rừng. Đối với ông, chấp hành đúng yêu cầu do chị Huệ đưa ra là chất lượng cây khổ qua rừng phải đủ tiêu chuẩn sản xuất trà túi lọc. Còn chị Huệ chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định.
Ban đầu, gia đình ông Tỵ chỉ dám đầu tư trồng 3 sào, nhưng kết quả thu được ngoài mong đợi. Bên cạnh việc thu hái đọt cho chị Huệ chế biến trà, gia đình ông còn thu được 2 tấn quả tươi/sào/vụ.
“Sau gần 2 năm ký kết với cô Huệ, đến nay gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 2 ha. Trong đó, 1 ha đang cho thu hoạch, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với mức từ 300.000 - 500.000 đồng/người/ngày”, ông Tỵ cho biết.
Ngoài gia đình ông Tỵ, còn hơn 20 lao động của 6 hộ gia đình khác cũng ký kết bao tiêu nguyên liệu với chị Huệ, cũng có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Huệ chia sẻ: Sau khi trồng thí điểm thành công 3 sào khổ qua rừng ở gia đình ông Tỵ, chị quyết định nghỉ việc tại Huyện ủy Đăk Tô để dành thời gian đi thực tế các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh... học hỏi kinh nghiệm trồng khổ qua rừng, nhằm mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sạch tại địa phương. Sau chuyến đi ấy, nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc khổ qua rừng, chị đã ký kết với gia đình ông Tỵ mở rộng diện tích lên 1 ha (nay là 2 ha).
Với quan điểm “Người nông dân sống được từ việc trồng nguyên liệu, sản phẩm của mình mới đứng vững trên thị trường”, sau ông Tỵ, chị Huệ đã liên kết bao tiêu nguyên liệu với 6 hộ nông dân khác tại các xã Diên Bình, Kon Đào, Ngọc Tụ và TT.Đăk Tô (H.Đăk Tô), mở rộng diện tích nguyên liệu lên 5 ha, đáp ứng nhu cầu cung cấp đọt và quả cho sản xuất.
Khi đã có được nguồn nguyên liệu ổn định, chị Huệ bắt tay vào đầu tư sản xuất trà túi lọc với nhãn hiệu DATO. Để có bao bì, nhãn mác sản phẩm ưng ý, một lần nữa chị lại khăn gói vào TP.HCM, tìm đến các cơ sở sản xuất bao bì nổi tiếng để đặt hàng và đóng gói sản phẩm.
Kể cho chúng tôi nghe về nguyên nhân khiến mình chọn khổ qua rừng là sản phẩm khởi nghiệp và tham vọng đưa sản phẩm trà túi lọc xuất khẩu, chị Huệ cho biết: Khổ qua rừng tuy là một loại cây mọc dại nhưng được con người biết đến từ lâu và là một loại dược liệu với nhiều công dụng. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu sử dụng khổ qua rừng để phòng chữa bệnh, chị bắt đầu suy nghĩ tại sao mình không tận dụng thế mạnh đất đai, khí hậu địa phương để trồng và sản xuất ra trà khổ qua rừng? Từ đó, ý tưởng trồng và chế biến khổ qua rừng dần thành hiện thực.
Đến nay, dây chuyền sản xuất trà túi lọc khổ qua rừng của chị Huệ đã đạt công suất 1 triệu hộp/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Mới đây, vào tháng 5.2020, trà túi lọc khổ qua rừng của chị Huệ được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020.
Thừa thắng xông lên, chị Huệ nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm khổ qua rừng ra các thị trường tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., và hiện chị đã đạt được thỏa thuận đối với một số đối tác nước ngoài.
Theo Gia Hương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.