Khởi nghiệp từ trang trại gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên nền diện tích 6.000 m2 đất nông nghiệp hoang hóa sau sự cố hồ tiêu chết hàng loạt, đôi vợ chồng trẻ Tô Hồng Hoàng và Nguyễn Thị Thúy Hằng đã tự tin vào chuyên môn được đào tạo để mở trang trại nuôi gà, bước đầu đem lại thu nhập ổn định.
Nói về quyết định mở trang trại chăn nuôi gà Hoàng Hằng (thôn Ia Rôk, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku), anh Tô Hồng Hoàng (SN 1993) cho biết: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Chăn nuôi, anh có gần 2 năm làm việc cho vài trang trại chăn nuôi heo, gà cỡ lớn ở tỉnh Đồng Nai. “Lận lưng” kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi quy mô trang trại, lại thêm lợi thế có vợ là bác sĩ thú y, đầu năm 2018, anh thí điểm nuôi gà ta thả vườn với quy mô 500 con/lứa trên đất vườn trồng cây ăn quả lưu niên của gia đình ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Đầu năm 2019, để thuận tiện hơn, vợ chồng anh quyết định chuyển cơ sở chăn nuôi về địa điểm hiện tại và thành lập trang trại chăn nuôi gà Hoàng Hằng. 
 Anh Hoàng bên đàn gà con trong thời gian nuôi ủ. Ảnh: Đ.P
Anh Hoàng bên đàn gà con trong thời gian nuôi ủ. Ảnh: Đ.P
Trên diện tích đất rộng mênh mông, nghiêng thoải về thung lũng ruộng lúa nước dưới chân núi Hàm Rồng là 4 gian chuồng mái lợp tôn, tường gạch xây cao nửa mét, rào chắn lưới kẽm mắt cáo cỡ lớn (có tổng diện tích gần 850 m2) nằm cách nhau chừng dăm ba mươi mét. Anh Hoàng cho biết, mỗi chuồng có khoảng 1.000 con gà ta lai chọi nhập từ miền Bắc, nuôi gối đầu cách nhau 1 tháng. Giống gà này có ưu điểm kháng bệnh dịch tốt, lại hay ăn, chóng lớn, sau 4 tháng trọng lượng trung bình đạt 1,8-2 kg/con. Anh cho biết, cơ sở vừa xuất chuồng 1.000 con gà, giá thương lái mua tại chuồng là 75.000 đồng/kg. Với những con gà có thời gian nuôi lâu hơn, cho chất lượng thịt tốt hơn thì giá bán cũng tăng theo, dao động từ 85.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.
Anh Hoàng cho biết: “Gà ta là cách gọi chung cho phần lớn giống gà thuần Việt. Về cách nuôi, từ tháng thứ 2 đàn gà được thả rông chừng 4 giờ/ngày để tự bới tìm nguồn dinh dưỡng, nhất là khoáng chất có trong tự nhiên. Nguồn thực phẩm bổ sung gồm cám gạo, bắp, đậu nành được trộn lẫn với cám đậm đặc mua từ công ty theo tỷ lệ nhất định dành cho từng độ tuổi của gà, cùng với đó là rau xanh... giúp chất lượng thịt ngọt thơm, dai giòn, hợp khẩu vị phần lớn người tiêu dùng”.
Hỏi về thu nhập, dừng tay châm trà mời khách, chị Hằng tâm tình: “Nhờ nền đất bố mẹ cho; thuốc men, kỹ thuật và cả công chăm sóc vợ chồng tự làm lấy; vốn đầu tư ban đầu được gia đình hỗ trợ... với cách nuôi gối đầu lứa cách lứa 1 tháng, trang trại có gà xuất liên tục. Theo giá hiện nay, mỗi tháng cơ sở lãi ròng trên 20 triệu đồng”.
Về dự định dài hơi, vợ chồng trí thức trẻ tiết lộ: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng gian chuồng diện tích 500 m2 nuôi gà lấy trứng. Lấy ngắn nuôi dài, trong nay mai sẽ tiến hành trồng chuối lá (chuối hột) cung cấp thức ăn xanh giàu chất xơ cho gà. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu trồng một số loại cây ăn quả “ít đụng hàng” vừa tạo cảnh quan, bóng râm, chắn gió, vừa cho thu nhập bền vững”.
ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…