Khởi nghiệp thành công từ hạt điều rang củi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Anh Nguyễn Văn Thiêm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm (làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khởi nghiệp từ hạt điều rang củi khi đã ngoài 40 tuổi. Với tư duy nhạy bén và cách làm phù hợp, trong một thời gian ngắn, sản phẩm hạt điều rang củi của anh đã nhanh chóng vươn ra thị trường.

Năm 2020, từ nguồn nguyên liệu hạt điều thu hoạch trong vườn nhà và một số hộ dân trong xã, anh Nguyễn Văn Thiêm đầu tư chế biến hạt điều rang củi. Anh kể: “Thời điểm đó, nhiều người nhìn tôi với vẻ ngần ngại. Bởi lẽ, thị trường hạt điều lúc đó đang có sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, để phát triển thì phải có sự tính toán cẩn thận và tôi quyết định chọn chế biến hạt điều rang bằng củi”.

 Anh Nguyễn Thiêm bắt đầu khởi nghiệp từ hạt điều rang củi khi đã ngoài 40 tuổi. Ảnh: Trần Dung
Anh Nguyễn Thiêm bắt đầu khởi nghiệp từ hạt điều rang củi khi đã ngoài 40 tuổi. Ảnh: Trần Dung


Theo anh Thiêm, có 2 lý do thôi thúc anh đưa thương hiệu điều rang củi ra thị trường. Thứ nhất, hạt điều ở vùng đất Ia Grai có sự khác biệt so với các nơi khác. Thứ hai, hiện nay, các thương hiệu hạt điều có mặt trên thị trường đều sử dụng phương pháp rang bằng điện khiến hạt mất đi màu và hương vị đặc trưng, trong khi rang củi luôn giữ được hương vị truyền thống. Tuy nhiên, để giữ được hương vị của hạt điều còn phụ thuộc rất nhiều vào cách canh củi lửa. “Bằng 2 chiếc chảo với phương pháp rang tay thủ công, tôi thực hiện mẻ đầu tiên. Sản phẩm làm ra, tôi mời mọi người trong vùng thưởng thức, đánh giá và rút kinh nghiệm. Khi sản phẩm nhận được phản hồi tốt, tôi bắt đầu chào mời ở một số cửa hàng lân cận, sau đó lên mạng xã hội để chia sẻ và giới thiệu với mọi người về sản phẩm hạt điều rang củi của mình”-anh Thiêm tâm sự.

Sau gần 2 năm, sản phẩm hạt điều rang củi Nguyễn Thiêm đã được người tiêu dùng tìm mua. Với số lượng đơn hàng ngày càng lớn, anh Thiêm thuê thêm nhân công chế biến để đáp ứng kịp thời lượng hàng cho khách. Các khâu từ lựa chọn hạt tươi đến chế biến và đóng gói bao bì đều được anh kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Lợi thế của tôi là xây dựng thương hiệu ngay trên vùng nguyên liệu của địa phương mình. Để có sản phẩm tốt nhất, tôi không ngần ngại tìm mua loại hạt điều chất lượng cao. Chỉ sau gần 3 năm, sản phẩm hạt điều rang củi của tôi đã có mặt trên 15 tỉnh, thành trong cả nước”-anh Thiêm chia sẻ.

Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm đã có nhiều chủng loại hạt điều rang củi tiêu thụ rộng rãi trên thị trường như: điều sạch lụa, điều nguyên vỏ lụa và điều sống làm sữa hạt. Hiện các sản phẩm điều rang củi đang được tiêu thụ mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Với sản phẩm hạt điều rang củi, mỗi năm, anh tiêu thụ khoảng 2,5 tấn điều thành phẩm và thu về gần 700 triệu đồng. Chị Trần Ngọc Thiên An (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết: “Tôi biết tới sản phẩm điều rang củi Nguyễn Thiêm từ một người bạn. Điều đặc biệt ở hạt điều rang củi chính là mùi thơm tự nhiên còn đọng lại của củi gỗ. Tôi thường đặt mua để biếu người thân, bạn bè”.

Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã khảo sát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để đầu tư nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, huyện đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. “Hạt điều là một trong những sản phẩm thế mạnh của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn”-ông Thắm kỳ vọng.

Hiện nay, sản phẩm hạt điều rang củi Nguyễn Thiêm được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mã số mã vạch và tiêu chuẩn cơ sở. Đây sẽ là “chìa khóa” giúp cho hạt điều rang củi Nguyễn Thiêm có thương hiệu chính thức trên thị trường, xây dựng uy tín thương mại cũng như quảng bá nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa.

 

 TRẦN DUNG

 

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Bế mạc Techfest Đắk Lắk 2024

Tối 24/9, UBND tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 (Techfest Đắk Lắk 2024) với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.