(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Ia Rmok và Ia Hdreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) không ngần ngại bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư khoan giếng lấy nước tưới cho cây lúa. Việc làm này tuy đã giải quyết được vấn đề thiếu nước sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực cho nông dân nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sự chung tay tháo gỡ của chính quyền địa phương.
Giếng khoan của nông dân ở giữa ruộng. Ảnh: H.T |
Ở cánh đồng xã Ia Rmok, rất dễ bắt gặp những chiếc giếng khoan giữa các thửa ruộng xanh mướt. Dọc theo các bờ ruộng là những cột điện bằng thân cây được dựng lên để đưa điện ra đồng phục vụ cho việc bơm nước. Vừa bơm nước cho 6 sào lúa đã trổ bông, Mí Liêm (buôn Bhá) cho biết: “Trước đây, mình trồng 2 sào lúa nhưng vì thường xuyên thiếu nước nên cây lúa còi cọc, năng suất thấp, mỗi năm chỉ thu được 4-5 bao. Năm 2008, thấy nhiều hộ đào giếng khoan lấy nước tưới cho lúa, mình học theo và đầu tư hơn 10 triệu đồng để khoan giếng. Từ 2 sào, mình đã mở rộng diện tích sản xuất lúa lên 6 sào, mỗi năm thu được gần 60 bao”.
Ông Nay Il-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok cho biết: Trên địa bàn xã có 1 trạm bơm điện và một công trình thủy lợi Ia Hdreh phục vụ sản xuất lúa nước cho người dân. Mấy năm gần đây, mực nước ở lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ xuống thấp nên lượng nước bơm lên chỉ đủ tưới cho các thửa ruộng gần trạm bơm và công trình thủy lợi. Vì vậy, nhiều nông dân có ruộng ở xa trạm bơm đã khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất bằng cách khoan giếng lấy nước tưới. Đến nay đã có gần 70 chiếc giếng được người dân khoan để tưới nước cho lúa, tập trung ở cánh đồng buôn Nông Siêu và buôn Blái. Do khoảng cách từ khu dân cư ra cánh đồng khá xa, mỗi hộ phải kéo dây điện từ 300 mét đến 1.000 mét nên chi phí đầu tư khoan giếng, mua dây điện rất cao, từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/giếng. Từ khi có giếng, hiệu quả sản xuất lúa nước của bà con được nâng lên và hiện nay nhiều hộ cũng đang muốn khoan giếng để sản xuất lúa. Để đảm bảo an toàn cũng như đỡ tốn kém trong đầu tư khoan giếng, người dân đang kiến nghị xã đề xuất với UBND huyện đầu tư đường dây hạ thế để tiện cho việc bơm nước.
Giống như ở xã Ia Rmok, từ năm 2011, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ia Hdreh cũng bắt đầu khoan giếng để lấy nước sản xuất lúa. Tính đến nay, trên địa bàn xã có 21 hộ tự đào giếng, hoặc mua mô tơ bơm nước từ sông Ba để tưới cho lúa. Do cánh đồng xã Ia Hdreh cao hơn cánh đồng xã Ia Rmok nên giếng phải khoan sâu 40-70 mét mới có nước dồi dào để tưới. Chi phí đầu tư khoan giếng vì thế cao hơn so với xã Ia Rmok, từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/giếng. Ông Ksor Chu (buôn Đrai) cho biết: Mình đầu tư 30 triệu đồng khoan giếng này từ đầu năm 2011. Nhờ có giếng nước này mà năng suất 2 sào lúa nước của mình tăng 3-4 tạ lên 7-8 tạ mỗi vụ. Không những thế, gia đình và dân làng còn có thêm nước để sinh hoạt mà không phải ra bờ sông đào hố lấy nước như trước nữa.
Trao đổi với phóng viên, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh cho biết: Nhu cầu khoan giếng phục vụ sản xuất lúa nước của người dân trong những năm qua rất cao nên nhiều lần, người dân đã ý kiến trong các kỳ họp HĐND xã đề nghị huyện đầu tư đường điện hạ thế ra cánh đồng để phục vụ cho việc bơm nước. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân nên xã đã đề nghị các trưởng thôn tập hợp danh sách các hộ muốn khoan giếng để trình lên UBND huyện xin ý kiến nhằm tạo điều kiện cho người dân được khoan giếng, giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất.
Về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa cho biết: Việc khoan giếng lấy nước sản xuất lúa của nông dân 2 xã Ia Rmok và Ia Hdreh trước mắt đã giải quyết được vấn đề thiếu nước sản xuất của người dân. Tuy nhiên, chi phí đầu tư làm giếng khoan rất cao; việc kéo dây điện với khoảng cách xa cũng gây nguy hiểm cho nông dân và dễ dẫn đến tình trạng thất thoát điện. Vì vậy, huyện cần xem xét kỹ, nếu việc khoan giếng phục vụ hiệu quả cho sản xuất lúa và không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm thì nên đầu tư thêm đường dây điện hạ thế để người dân đỡ tốn kém.
Hồng Thương