Khi nông dân uống... cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi năm, nông dân Tây Nguyên sản xuất hàng ngàn tấn cà phê có chất lượng tốt phục vụ “tín đồ” của loại thức uống này. Nhưng ít ai biết được rằng, chỉ vài năm trở lại đây thôi thì những người trồng cà phê mới biết thưởng thức cà phê.

Tôi về những triền đồi, dọc theo rẫy cà phê ở các buôn làng trong một sáng gió hanh của mùa khô Tây Nguyên. Ánh nắng vàng rực trên con đường mòn đất đỏ chạy dài giữa mênh mông một vùng cà phê phủ màu xanh ngắt. Giữa bao la đất trời, làn gió nhẹ thổi qua mang theo một mùi thơm dịu nhẹ, không quá nồng mà lại sâu lắng, thật khó diễn tả.

 

Những người nông dân tranh thủ uống cà phê lúc nghỉ giải lao. Ảnh: D.Y.T
Những người nông dân tranh thủ uống cà phê lúc nghỉ giải lao. Ảnh: D.Y.T

Chúng tôi men theo bờ lô cà phê thì một vài tốp nông dân đang ngồi giải lao. Ông Nguyễn Thanh Sang (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) từ trong rẫy đi ra, rót vội một ly cà phê đã được pha sẵn trong bình giữ nhiệt, cười tươi: “Nông dân chúng tôi làm cà phê gần 20 năm nay, quanh năm chỉ biết chăm bẵm cho cà phê tươi tốt đạt năng suất cao để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học, vì vậy ít có điều kiện thưởng thức cà phê. Bây giờ cuộc sống khá hơn nên bà con trồng cà phê đã biết uống cà phê, riết rồi ghiền luôn. Sáng đi làm mang theo ly cà phê pha sẵn, nghỉ giữa giờ bà con tập trung lại uống nói chuyện cho đỡ mệt”.

Không thư nhàn như người phố thị thường thưởng thức cà phê mỗi sáng ở các quán xá, nông dân thường uống cà phê trên rẫy trong thời gian họ tranh thủ nghỉ ngơi giữa một ngày làm việc mệt nhọc. Một ly cà phê sẽ giúp họ sảng khoái để tiếp tục công việc đồng áng.

Uống vội ly cà phê để tiếp tục công việc, ông Hoàng Văn Phú (xã Ea Toh, huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak) cho hay: Nhâm nhi ly cà phê vào mỗi buổi sáng đã trở thành thói quen của nhiều người thành thị. Còn dân làm cà phê không có lấy một ngày nghỉ ngơi, công việc liên miên nên nhiều lúc khát thì pha ly cà phê hòa tan rồi uống vội uống vàng. “Để có thời gian nhàn rỗi, ngồi nhâm nhi cà phê theo đúng nghĩa thưởng thức hương vị thơm ngon, đăng đắng thì có lẽ phải đến lúc... chớm già mới có dịp”-ông Phú hóm hỉnh nói.  

Dọc theo các rẫy cà phê, chúng tôi cũng gặp một tốp nông dân vừa nhâm nhi ly cà phê đen vừa chuyện trò rôm rả. Ông Thái Văn Hoan (xã Ea Tar, huyện Cư Mgar) rót ra mời tôi một ly cà phê đã được pha sẵn. Ông Hoan cho biết: “Ở đây mọi người hầu như uống cà phê đen nguyên chất tự tay mình làm. Đến mùa thu hoạch, mỗi gia đình sẽ chọn những quả chín mọng phơi khô, xát nhân, rang chín rồi xay thành bột. Đây cũng là món quà quý để dịp Tết gửi về cho bà con họ hàng ở quê”. Xoay xoay ly cà phê đen trên tay, ông tiếp: “Tôi có thói quen pha cho mình một ly cà phê đen sau mỗi bữa ăn sáng, rồi dành một chút thời gian để thưởng thức, sau đó lên rẫy mang theo một ly nữa để uống giữa giờ”.

Tại những buôn làng chúng tôi đi qua, giờ đây mỗi nơi đều có những câu chuyện về cà phê. Ngày nay, khi cà phê “bẩn” xuất hiện, nhiều người nơi phố thị nói rằng họ đã quên từ lâu cái hương vị thuần nguyên của cà phê, họ không còn nhận ra đâu là cà phê thật giữa vô vàn hương vị phối trộn. Thì ở đây, những nông dân vẫn có những ly cà phê được pha thủ công và nguyên chất.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.