Kẻ săn mồi không mặt, đầu 50 gai thời tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học phát hiện một loài vật không có mặt với 50 gai nhọn trên đầu sống dưới đại dương thời tiền sử.
 

Capinatator praetermissus, kẻ đi săn của đại dương ở kỷ Cambri.
Capinatator praetermissus, kẻ đi săn của đại dương ở kỷ Cambri.

Nhà khoa học Derek Briggs của Đại học Yale, Mỹ trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology công bố loài sinh vật không mặt Capinatator praetermissus từng sống dưới đại dương thời tiền sử.

Rất lâu trước khi khủng long thống trị Trái Đất, loài sâu biển Capinatator praetermissus đã xuất hiện trong các đại dương của kỷ Cambri khoảng 541 triệu năm trước. Hóa thạch thu được của loài này ở hai công viên quốc gia tại British Columbia, Canada trong tình trạng được bảo quản tốt, lưu giữ được các mô mềm.

Capinatator dài khoảng 10 cm, không có mặt, phần đầu như cây bắt ruồi với 50 gai nhọn. Mỗi gai nhọn dài chưa đầy một cm này giúp Capinatator bắt sinh vật trôi nổi và động vật nhỏ khi con mồi đến gần.

"Những chiếc gai cứng giống như móc thu nhỏ. Dù chúng ta khó biết vì sao hóa thạch của chúng có nhiều gai như vậy, có khả năng loại vũ khí này giúp Capinatator trở thành kẻ đi săn thành công", Briggs nói.

Capinatator là tổ tiên của nhóm trùng mũi tên chaetognatha xuất hiện phổ biến trong các đại dương trên thế giới ngày nay. Dù lớn hơn và có nhiều gai nhọn hơn, Capinatator không có răng chuyên biệt như hậu duệ.

Capinatator sống ở thời điểm các sinh vật trên Trái Đất bắt đầu tăng kích thước và trở nên đa dạng hơn về chủng loại. Phát hiện về loài vật này giúp các nhà khoa học có thêm một góc nhìn về sự sinh sôi của sự sống trong giai đoạn này trên Trái Đất.

Vũ Phong/VNE

Có thể bạn quan tâm