Kbang: Chăm lo cho các đối tượng nạn nhân chất độc da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang có 509 đối tượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hầu hết trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng mới chỉ có 98 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Vì vậy, nhiều nạn nhân đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành và những nhà hảo tâm để vươn lên trong cuộc sống.

Theo chân bà Tân Thị Thiếu-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang, chúng tôi đến thăm các đối tượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại làng Htăng (thị trấn Kbang). Ngôi nhà sàn đơn sơ đã hư hỏng đóng kín cửa là của gia đình em Đinh Thị Thuy (11 tuổi-nạn nhân chất độc da cam/dioxin). Thuy ở nhà một mình, bố mẹ đi làm rẫy. Chị Đinh Thị Chai-người cùng làng với Thuy, nói: Trước đây, bố mẹ nó còn ở nhà chăm con, nay vì khó khăn quá mà họ đành phải cho con ở nhà một mình để lên rẫy đi làm kiếm tiền. “Bố mẹ nó đi làm rẫy rồi trưa lại về nhà cho nó ăn. Nó ở nhà chỉ nằm thôi, không biết đứng, không biết đi. Trước đây nằm giường ở nhà dưới, có lần nó bị ngã gãy chân nên giờ phải chuyển lên nhà sàn này nằm. Nói chung là gia đình nó khó khăn lắm, làm rẫy trồng bắp, trồng đậu thôi”-chị Chai chia sẻ.

 

Thăm hỏi gia đình em Đinh Thân. Ảnh: H.D
Thăm hỏi gia đình em Đinh Thân. Ảnh: H.D

Bà Thiếu cho biết: Thuy là cháu của người tham gia kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học nên chưa được hưởng chế độ. Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã vận động một nhà hảo tâm trên địa bàn thị trấn giúp đỡ, từ tháng 2-2017, Thuy được hỗ trợ nuôi dưỡng tại nhà với số tiền 200 ngàn đồng/tháng.

Còn trường hợp Đinh Thân (ở làng Nak, thị trấn Kbang) là con thứ 6 trong gia đình có 11 anh chị em nên trong nhà lúc nào cũng có người chăm sóc. Nhưng vì thiếu đất sản xuất nên gia đình Thân mãi vẫn không thoát khỏi diện hộ nghèo. Vừa qua, Thân cùng 9 đối tượng khác trên địa bàn huyện được Trung tâm Nuôi dưỡng-Phục hồi Chức năng Bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ nuôi dưỡng tại nhà với số tiền 5.280.000 đồng/năm. Chị Đinh Thị Benh (chị gái Thân) tâm sự: Gia đình làm nông chủ yếu dựa vào 1 sào mì; anh em trong nhà thì có gia đình riêng hết, một mình mẹ già nuôi nó rất vất vả. Nhận được tiền hỗ trợ của các cấp, gia đình tôi vui lắm, chúng tôi cũng chưa biết dùng vào việc gì, chắc cũng để dành mà lo cho em nó mỗi khi ốm đau thôi.

Được biết, trong năm 2016, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang vận động xây dựng Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam được trên 134 triệu đồng. Với số tiền trên cùng với nguồn của Tỉnh hội phân bổ, Huyện hội đã triển khai làm 3 ngôi nhà cho các đối tượng trên địa bàn với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân với số tiền trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn Trung ương Hội phân bổ về, Huyện hội cũng đã triển khai cho 5 hộ gia đình vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế với tổng số tiền 50 triệu đồng. Được biết, đến nay đã có 1 gia đình nạn nhân ở xã Đak Rong đầu tư số tiền trên để chăn nuôi heo; còn các hộ ở các xã: Lơ Ku, Đông, Nghĩa An, thị trấn Kbang đều mua bò để chăn nuôi. “Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh hội thì Huyện hội cũng đã phát động phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam năm 2017. Vấn đề thứ nhất là làm sao tuyên truyền, vận động huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện từ đó có nguồn để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. Trên cơ sở đó, trong năm 2017, theo sự chỉ đạo của tỉnh và nghị quyết của Ban Chấp hành Huyện hội thì sẽ tập trung vào phát triển kinh tế gia đình cho các đối tượng nạn nhân trên địa bàn. Như đối với gia đình Đinh Thân là hộ nghèo, không có đất sản xuất, thì Huyện hội cũng đang gợi ý cho gia đình phát triển bằng hình thức chăn nuôi”-bà Tân Thị Thiếu-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kbang, nói.

Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã xây dựng Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam được 52,7 triệu đồng. Hiện Hội đang tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia ủng hộ; đồng thời phối hợp triển khai việc rà soát nhằm xây dựng thêm 2 nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.