(GLO)- Thủy điện Ia Ly đã và đang là một trong những điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch Tây Nguyên của các công ty lữ hành trên cả nước. Bởi công trình này không chỉ là niềm tự hào, minh chứng cho tầm vóc và trí tuệ Việt Nam mà nó luôn thu hút du khách bởi cảnh quan say đắm lòng người.
“Cung điện” trong lòng đất
Chúng tôi đến Ia Ly vào một ngày cuối năm, khi những cánh rừng săng lẻ đang vào mùa thay lá. Rời Pleiku trong tiết trời se lạnh, sau gần một tiếng đồng hồ đi ô tô, chúng tôi có mặt tại cổng chính của Nhà máy Thủy điện Ia Ly.
Ảnh: Nguyễn Dung |
Vừa bước xuống xe, chúng tôi được đón tiếp niềm nở của cô hướng dẫn viên có vóc dáng thanh mảnh Đỗ Thị Xuân Hiền. Sau những câu chào hỏi xã giao, chiếc xe đưa chúng tôi đi tham quan “cung điện trong lòng đất”-cách gọi ví von gian máy ngầm thủy điện Ia Ly, nơi đặt các tổ máy. “Để chạm tới “trái tim” của thủy điện Ia Ly, ta cần đi bộ một đoạn đường hầm 600 mét xuyên qua lòng núi, với độ nghiêng 11 độ sẽ đến được gian máy ngầm ôm 4 tua bin của thủy điện Ia Ly cách mặt đất 500 mét. Đường hầm này có cùng một mô hình với đường hầm thủy điện Hòa Bình và đường hầm đèo Hải Vân và đều do Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà thi công, chỉ khác nhau về kích cỡ và độ thẩm mỹ. Tuy nhiên nếu ai đã một lần đến đều không khỏi ngạc nhiên về nét đẹp lung linh, hiện đại của đường hầm Ia Ly.
Ảnh: N.D |
Có lẽ chính ánh sáng mờ ảo, âm thanh của tổ máy cùng một chút âm u đã biến gian máy ngầm thành “cung điện” trong lòng đất. “Nếu chỉ nhìn “bốn cục sắt”, cái gọi là 4 tổ máy kia cứ quay tì tì thế để góp phần vào nguồn sáng của nước nhà thì có mấy ai biết rằng chúng tôi-những người công nhân, kỹ sư đang 24/24 giờ không chợp mắt. Ngày nào cũng vậy, chúng tôi được chia ra làm 3 ca trực, mỗi ca 8 tiếng theo dõi và cập nhật liên tục tình trạng của máy móc thiết bị. Chỉ cần một bộ phận nào gặp sự cố, lập tức chúng tôi có mặt và xử lý ngay, chưa kể lịch tiểu tu, trung tu, đại tu định kỳ hàng năm. Không ngại môi trường làm việc xa xôi, chui vào hầm núi, tiếng ồn lớn, nguy hiểm độc hại, chúng tôi luôn túc trực làm việc bằng một cái tâm nghiêm túc với nghề bên các tổ máy hàng giờ như chăm sóc một người có chế độ đặc biệt vậy. Có lẽ vì thế chúng tôi thấy mình giống như một bác sĩ và tự đặt cho mình một cái tên thân mật là “bác sĩ kỹ thuật” đấy ạ”-giọng Hiền lại thánh thót vang lên.
Ảnh: N.D |
Dòng sông hoa nắng
Từ cửa nhà máy, ô tô tiếp tục đưa chúng tôi đi theo đường công vụ xuống bến ca-nô. Anh Khải-thủy thủ lái ca-nô công vụ thuộc Phân xưởng Sửa chữa cơ khí thủy lực đã đứng chờ chúng tôi ở bến. Chiếc ca-nô rẽ nước đưa chúng tôi xuôi hạ lưu sông Sê San.
Không ai chịu ngồi trong khoang, chúng tôi kéo nhau lên boong để thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, trút bỏ mọi lo toan, tận hưởng cảm giác thư thái, thanh bình và thay nhau chụp hình. Những làn gió nhẹ không đủ sức làm mặt nước gợn sóng. Cả dòng sông rắc đầy hoa nắng, óng ánh như dát bạc. Những vạt rừng săng lẻ đang mùa thay lá chỗ đỏ rực, chỗ vàng ruộm đẹp đến mê hồn khiến tôi liên tưởng tới bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan.
Ảnh: N.D |
Qua khúc cua thứ nhất, lòng sông càng lúc càng mở rộng ra. Hai bên dòng sông thấp thoáng vài chiếc lồng nuôi cá lăng và những mái chòi của ngư dân đánh cá ven sông. Anh Đặng Khắc Bộ-Tổ trưởng Tổ Du lịch say sưa kể về thú câu cá trên sông Sê San của những người trong Câu lạc bộ câu cá Ia Ly có các thành viên tận từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh bằng một giọng hài hước và vô cùng dí dỏm của một người xuất thân từ cán bộ tuyên huấn trong quân đội. Anh khẳng định đã từng câu được những chú cá chép 8-9 ký còn cá lăng hơn chục ký thì thỉnh thoảng cũng có người “tóm” được. Đi được khoảng chục cây số, anh Khải cho ca-nô ghé vào bờ, đến thác nước để mọi người nghỉ chân. Đón chai nước suối và trái quýt từ tay anh Bộ, tôi hỏi tên thác, anh dí dỏm: Anh em Ia Ly gọi là “thác đâu rồi”. Bởi vì ngọn thác này bắt nguồn từ làng Tip, xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) nên rất cao, mọi người ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng thác đến rơi cả mũ.
Tạm biệt Ia Ly, câu hỏi của anh Bộ cứ xoáy vào tôi. Vâng. Giá như tỉnh Gia Lai và ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai quan tâm đầu tư, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Ia Ly, tổ chức được những tour du lịch sinh thái, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Gia Lai, tạo cú hích cho “ngành công nghiệp không khói” tỉnh ta bước sang trang mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguyễn Dung