(GLO)- Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội là một cách tiếp cận mới trong quản lý và thực hành du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các hoạt động tích cực. Đó là thước đo của sự thành công mang lại thu nhập cao hơn, bảo tồn và tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân địa phương, nâng cao phúc lợi cho văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; là xu hướng tất yếu và là cơ sở để ngành “công nghiệp không khói” phát triển một cách bền vững.
Khi du lịch có trách nhiệm đã trở thành xu thế phát triển chung thì việc theo đuổi loại hình du lịch có trách nhiệm (bao gồm trách nhiệm với môi trường, xã hội và cộng đồng) tại Việt Nam đã trở thành hướng đi tất yếu được các doanh nghiệp lữ hành cũng như toàn bộ ngành Du lịch Việt Nam lựa chọn. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh vai trò của du lịch có trách nhiệm là cơ sở để ngành Du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch có trách nhiệm hướng đến một ngành du lịch phát triển bền vững, sự cố gắng một phía từ cơ quan chức năng là không đủ, bởi du lịch là hoạt động được gắn kết bởi nhiều chủ thể trong đó có cả các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, các du khách và cả cộng đồng địa phương. Do đó, việc cộng đồng và doanh nghiệp chung sức cùng với cơ quan quản lý cùng thực hiện du lịch có trách nhiệm mới tạo ra phương thức hiệu quả nhất.
Ảnh: Thanh Thảo |
Du lịch Gia Lai đang trên đà phát triển với sự nở rộ của các công ty du lịch, tạo ra sự cạnh tranh trên cơ sở đó đa dạng hơn các chương trình du lịch thu hút du khách đến với cao nguyên Gia Lai, từ đó cần chú trọng hơn nữa việc phát triển du lịch có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội tạo nền tảng phát triển du lịch lâu dài. Du lịch có trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng cần được xác định là mục tiêu xuyên suốt, dài lâu và là quyết tâm theo đuổi trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp đều hưởng ứng, cam kết với ngành du lịch trong chiến lược phát triển vì môi trường và xã hội.
Khối các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh cần ủng hộ chủ trương phát triển du lịch có trách nhiệm hướng đến phát triển bền vững thông qua nhiều hoạt động sôi nổi và gắn chủ trương đó song hành với mục tiêu phát triển lâu dài của doanh nghiệp như các chương trình du lịch “Vì một môi trường du lịch sạch”, “Mỗi du khách trồng một cây xanh”, “Một ngày làm nông dân”… hay các chuyến du lịch nhặt rác tại các bãi biển, làng nghề, đạp xe, quét, thu gom rác kết hợp phát túi ni lông tự hủy quanh các tuyến phố chính, các khu du lịch, khu chợ, bến xe… mà công ty du lịch các tỉnh bạn đã làm được và mang lại hiệu quả cao.
Điều đặc biệt ở đây là chính các du khách được trải nghiệm các chuyến du lịch này đều thấy thích thú khi vừa được tham quan, du lịch vừa được góp công sức trong việc bảo vệ môi trường. Không chỉ khối doanh nghiệp lữ hành, các trung tâm vui chơi, giải trí, khách sạn, cơ sở lưu trú, hãng vận chuyển, điều hành, nhà cung cấp dịch vụ, dân cư địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan… cũng cần tăng cường đưa ra nhiều hoạt động thiết thực để du khách tham gia bảo vệ môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu đó, không dừng lại ở việc xây dựng các tour du lịch vì môi trường đơn lẻ ở một vài công ty lữ hành đang thực hiện, mà xa hơn là triển khai các tour du lịch có trách nhiệm trên toàn bộ hệ thống các tour du lịch nội địa cũng như quốc tế. Trong đó, chính du khách cùng với các doanh nghiệp lữ hành sẽ là người tuyên truyền, vận động và tham gia vào việc làm cho môi trường du lịch xanh hơn, đẹp hơn.
Đó cũng là phương thức hữu hiệu để quảng bá hình ảnh một du lịch Gia Lai thân thiện, xanh tươi trong mắt bạn bè, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Gia Lai ngày càng có vị thế nhất định trong lòng du khách gần xa so với du lịch các tỉnh láng giềng với nhiều sự tương đồng.
Võ Thanh Thảo