Hơn 100 ngày trốn chạy của kẻ giết người bị truy nã quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là người có thâm niên 20 năm làm công tác truy nã, thượng tá Lê Quốc Dương - Phó Trưởng Phòng 4, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) Bộ Công an cho rằng, việc truy bắt đối tượng truy nã luôn đầy gian nan, nguy hiểm không chỉ cho lực lượng truy bắt mà cả những người dân xung quanh.

Vì vậy, trong những biện pháp nghiệp vụ, vận động đầu thú luôn được coi trọng. Đó là biện pháp nghệ thuật đánh vào lòng người, đánh vào ý chí lẩn trốn của đối tượng, ý chí che giấu của gia đình đối tượng bị truy nã; thức tỉnh lương tri tội phạm, giúp cho đối tượng nhận thức được hành vi phạm tội của mình, để từ đó ăn năn, hối cải, đầu thú, thành khẩn khai báo và cải tạo tốt, trở về sống lương thiện trong cộng đồng.

 

Đỗ Văn Dinh tại cơ quan điều tra.
Đỗ Văn Dinh tại cơ quan điều tra.

Phạm tội giết người, cướp tài sản trên nước bạn

Trong suốt 20 năm làm nghề, đối với thượng tá Dương (khi đó anh công tác tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) - Bộ Công an, quá trình anh cùng đồng đội vận động thành công đối tượng Đỗ Văn Dinh (SN 1974, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phạm tội giết người, cướp tài sản ra đầu thú vào tháng 4/2008  là kỉ niệm khó quên.

Sau khi bán nhà, đưa vợ và 4 đứa con thơ dại xuống thuyền ở, Dinh tìm đường sang Lào, gia nhập vào đội quân buôn đồng nát, phế liệu để kiếm sống. Nhưng rồi, Dinh đã sa chân vào tội ác. Biết anh Lê Văn Niệm (một người buôn đồng nát cùng quê) mang theo khá nhiều tiền để làm vốn, một ngày cuối năm 2007, Dinh cùng Dương Đức Mười (quê ở Thanh Hóa) đã lập mưu rủ anh Niệm đến một chỗ vắng vẻ để cướp tài sản. Dinh và Mười nói dối anh Niệm rằng, có một người đang cần bán một chiếc máy xúc cũ nhưng Dinh không đủ tiền mua nên rủ anh Niệm chung vốn mua về bán lại.

Tin lời Dinh và Mười, anh Niệm đi theo, đến đoạn đường vắng thuộc địa phận nước bạn, Dinh và Mười đã xuống tay giết chết anh Niệm sau đó cướp toàn bộ tài sản của người đàn ông xấu số. Ngay sau đó, cái chết của anh Niệm được quần chúng nhân dân phát hiện. Công an Lào đã vào cuộc điều tra có sự phối hợp chặt chẽ với Công an Việt Nam. Công an Lào sau đó đã xác định được đối tượng gây án, nhưng cả Dinh và Mười đều trốn biệt tích. Ngày 8/1/2008, lệnh truy nã 2 tên này được Công an Lào phát ra và gửi sang cơ quan Công an Việt Nam.

Kế hoạch vây bắt

Theo thượng tá Dương, đối tượng Đỗ Văn Dinh từng có tiền án chống người thi hành công vụ, năm 12 tuổi, hắn từng phải đi tập trung cải tạo. Nắm được lý lịch bất hảo của Dinh, tổ công tác đã lên kế hoạch bài bản để vây bắt.

Song, hiếm có đối tượng nào mà việc truy bắt gặp nhiều trở ngại như Dinh bởi vì gia đình Dinh là dân vạn chài, Dinh sống với sông nước từ nhỏ nên khi trốn, hắn cũng trốn ở... ngoài khơi.

Các trinh sát đã phải bám theo dấu vết của Dinh suốt từ bến sông làng chài Giang Thanh ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ra đến Phủ Lý (Hà Nam) rồi Thái Bình, Vân Đồn (Quảng Ninh) và dù đã áp dụng rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ nhưng dường như ở điểm nào họ cũng bị... muộn hơn Dinh.

Đêm 25/1/2008, khi các trinh sát xuống được bến làng chài Giang Thanh thì thuyền của Dinh cùng vợ và 4 đứa con đã nhổ neo trước đó. Ba tháng sau, đêm 21 rạng ngày 22/4 các mũi trinh sát xác định được Dinh đang ở dưới thuyền ở một khu làng chài ở xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, nhưng khi xuống tới nơi thì Dinh đã trốn... lên bờ.

Vốn có nhiều kinh nghiệm trong công tác này, anh Lê Quốc Dương xác định muốn thành công thì không chỉ truy bắt đơn thuần mà phải biết khéo léo kết hợp giữa các biện pháp nghiệp vụ với vận động, giáo dục, thuyết phục để các đối tượng ra đầu thú.

Nếu vận dụng thành công thì lực lượng Công an vừa đạt được hiệu quả công việc mà đỡ tốn thời gian, công sức, tránh được những nguy hiểm, bảo toàn lực lượng; đối tượng cũng được lợi khi được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi xét xử. Trước tình hình đó, anh Dương đã trực tiếp vận động chị Hạnh (vợ Dinh) động viên chồng ra đầu thú.

Đến tận bây giờ, anh Dương vẫn còn nhớ như in những cuộc điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ giữa anh và Hạnh. Nhiều lần, anh tự mình chèo thuyền cập mạn thuyền của gia đình Dinh, tự tay xách lên thuyền cho các con Dinh khi thì hộp sữa, khi thì bộ quần áo mới.

“Quay đầu là bờ”, đó là điều thượng tá Dương đã nói đi nói lại nhiều lần với Hạnh để thông qua người đàn bà chất phác này mà nhắn tới Dinh. Và rồi, đầu tiên là Hạnh và sau cùng là Dinh hiểu được rằng, chỉ có đầu thú thì Dinh mới được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và mới có hi vọng ngày trở về với vợ con.

Khéo léo thuyết phục, cảm hóa, giáo dục, cuối cùng, các trinh sát đã vận động được gia đình của hai đối tượng. Gia đình đồng ý sẽ thuyết phục con em ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.

Đầu tháng 3/2008, Dương Đức Mười đã làm đơn xin tự nguyện đầu thú. Hơn một tháng sau, chiều 25/4, chị Hạnh đã chủ động gọi điện cho trinh sát Dương xin cho chồng được đầu thú tại quê nhà.

Nhận được tin báo, anh Dương cùng tổ công tác tức tốc lên đường. Khi chiếc thuyền cập bến ở làng chài Giang Thanh, từ bên trong, Dinh lên bờ gặp tổ công tác. Sau khi lập biên bản, ngay trong đêm 25/4, Dinh đã được đưa về trụ sở C14 tại Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra.

Thượng tá Dương kể, khi Dinh ra đầu thú, vợ và 4 đứa con Dinh, trong đó đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi không có nhà ở, cũng không còn tài sản gì ngoài một chiếc thuyền. Đó là phương tiện kiếm ăn duy nhất đồng thời cũng là nơi tá túc của một người đàn bà chưa đầy 30 tuổi nhưng lam lũ, hốc hác và một đàn con gầy yếu, nheo nhóc.

Thương hoàn cảnh của vợ con Dinh, thượng tá Dương cùng các anh em trinh sát đã quyên góp quần áo, sách vở để giúp. Kết quả của đợt quyên góp là hai bao tải quần áo cũ, rất nhiều sách vở và một khoản tiền nho nhỏ được trích từ đồng lương quân hàm ít ỏi đã được các trinh sát chuyển về tận tay vợ con Dinh ở quê, ngay sau khi Dinh ra đầu thú được ít ngày.

Thượng tá Dương chia sẻ, công tác vận động đối tượng ra đầu thú là một việc làm nhân văn bởi nó tạo nên một hình ảnh mới và đẹp của người cán bộ làm công tác truy nã. Lính truy nã không chỉ có truy tìm, lùng bắt mà ngược lại còn có thể dùng cái tâm, cái tài của mình để vận động, thuyết phục đối tượng cũng như người nhà để đối tượng ra đầu thú. Vận động đầu thú giúp tiết kiệm sức người, sức của, giúp người phạm tội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và có cơ hội được trở về làm lại cuộc đời.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm