Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pưh giúp hội viên phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chư Pưh đã làm tốt vai trò cầu nối giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.  

 Cựu chiến binh Phạm Văn Nhung đã trở thành tỷ phú nhờ trồng hồ tiêu và cà phê. Ảnh: H.T
Cựu chiến binh Phạm Văn Nhung đã trở thành tỷ phú nhờ trồng hồ tiêu và cà phê. Ảnh: H.T

Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình hội viên, ông Chu XuânToàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh, cho biết: Những năm trước, hội viên CCB trong huyện đã nỗ lực trong lao động sản xuất để từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi mà hiệu quả sản xuất chưa cao dẫn đến đời sống hội viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội CCB các cấp trong huyện luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư của hội viên để tìm ra các giải pháp giúp đỡ phù hợp, hiệu quả.

Cũng theo ông Toàn, xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, Hội CCB các cấp trong huyện đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và tích cực vận động xây dựng quỹ Hội để giúp hội viên được vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Đến nay, nguồn vốn vay ngân hàng do Hội quản lý đã đạt trên 23 tỷ đồng, Quỹ Hội đạt trên 1,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, để giúp hội viên đầu tư sản xuất có hiệu quả, Hội CCB huyện Chư Pưh còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ; đồng thời, thành lập các câu lạc bộ “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” để tạo điều kiện cho hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, những buổi tham quan mô hình do Hội CCB huyện tổ chức cũng đã giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mới.

Một trong những hội viên có thu nhập cao nhờ mạnh dạn vay vốn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở huyện Chư Pưh là CCB Phạm Văn Bồn (thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang). Trước đây, đời sống gia đình ông còn nhiều khó khăn do sản xuất không hiệu quả. Khi được vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, ông Bồn đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng bí sang trồng cây hồ tiêu với số lượng lớn. Với 3.000 trụ tiêu, 2 ha bí đỏ hiện có, hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu trên 500 triệu đồng. Hay như  CCB Phạm Văn Nhung (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa) đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ mạnh dạn vay vốn để mở rộng đầu tư trồng hồ tiêu. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu gần 1 tỷ đồng từ 7.000 trụ tiêu kinh doanh.

Ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh, cho biết thêm: So với 5 năm trước, đời sống của các gia đình hội viên trên địa bàn huyện đã được cải thiện rõ rệt. Toàn Hội có 850 hội viên nhưng đã có đến 362 hội viên khá, giàu với thu nhập từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 4,8%. Nhờ đời sống được nâng lên, hội viên CCB trong huyện đã có điều kiện để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.  Riêng năm 2016, cán bộ, hội viên của hội đã chung tay xóa 5 căn nhà dột nát cho hội viên; tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình hội viên nghèo; đóng góp 97 triệu đồng, hơn 1.000 ngày công làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh đường làng...

“Thời gian tới, bằng mọi cách, Hội CCB các cấp huyện Chư Pưh sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, kỹ thuật để tạo điều kiện cho hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng”-ông Toàn khẳng định.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm