Học ra làm kỹ sư vẫn nghèo, về quê nuôi con sinh lộc lại giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2004, chàng trai dân tộc Tày Quan Văn Tiệp, tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ra trường làm đủ việc từ lĩnh vực điện, cơ khí, bảo hiểm nhưng rốt cuộc vẫn… nghèo. Khi quyết định về quê nuôi hươu, nuôi nai, chàng trai này lại đổi đời.
Anh Tiệp trăn trở, mình được học, sức trẻ có mà… tiền không có thì thật đáng trách. Nghĩ thế, anh gom góp những đồng bạc lẻ, bán cả chiếc xe máy là phương tiện duy nhất của mình để đi… học khôn.
Lặn lội học… khôn
Tài sản duy nhất của anh Tiệp là chiếc xe máy được bố mẹ hỗ trợ mua cho để đi làm, nhưng khi bắt tay vào nghề mới nuôi hươu anh phải bán chiếc xe đi.
Anh đến với nghề nuôi hươu không phải là ngẫu nhiên mà đó là quá trình mày mò tìm hiểu thị trường ở các địa phương trong tỉnh, các tỉnh lân cận để đầu tư mô hình nuôi hươu lấy nhung và hươu thương phẩm, hươu giống.
Đàn hươu sinh sản, hươu con giống của anh Quan Văn Tiệp.
Đàn hươu sinh sản, hươu con giống của anh Quan Văn Tiệp.
Anh Tiệp cho biết, nhung hươu rất tốt cho sức khỏe con người, nhất là người già, người suy nhược cơ thể, nhu cầu thị trường khá lớn nhưng nguồn cung chưa đáp ứng. Vậy nên, từ số tiền bán chiếc xe máy và số tiền ít ỏi tích lũy được, năm 2009, anh vào tận Hà Tĩnh mua 3 con hươu giống về nuôi.
Đất của gia đình anh khá rộng, anh dành khoảng chừng 200 m2 xây dựng chuồng trại nuôi hươu. Thời gian đầu, kỹ thuật nuôi hươu chưa vững, anh phải bỏ tiền đi “học khôn”. Anh chẳng thể nhớ nổi đã phải bắt bao nhiêu chuyến xe vào Hà Tĩnh để “tầm sư học đạo” tại một trang trại nuôi hươu lớn nhất cả nước có bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm.
Học được cách chăm hươu, cách bổ sung dưỡng chất cho hươu ở từng thời điểm, thuốc điều trị bệnh cho đàn hươu nhưng cách làm chuồng thì anh tự mày mò và làm theo cách riêng. 
Anh Tiệp chia sẻ, thấy người nuôi gà, nuôi lợn họ làm đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp vật nuôi hạn chế bị dịch bệnh nên anh học làm theo. Để giảm chi phí đầu tư, anh mày mò học công thức trộn men vi sinh với trấu rồi đem lót trong chuồng nuôi hươu.
Đệm lót sinh học dày từ 40 đến 50 cm, trong vòng 6 tháng anh lại thay làm phân hữu cơ bón cho cây vườn nhà. Ở thời điểm đấy thì cách làm của anh hoàn toàn mới trong giới nuôi hươu mang lại hiệu quả nên được đánh giá cao.
Diện tích chuồng nuôi hươu trưởng thành anh Quan Văn Tiệp thiết kế rộng từ 4 đến 5 m2 chứ không hẹp như ở những nơi khác, bảo đảm độ thoáng khí, tạo không gian vừa phải cho hươu vận động tăng sức khỏe, thịt hươu chắc hơn.
Sau 2 năm hươu sinh sản và cho nhung, khi hươu con được 5 tháng tuổi đạt trọng lượng 15 đến 17 kg anh bán được hơn 10 triệu/con để lấy tiền quay vòng mua hươu trưởng thành để nhanh cho nhung. Cách làm hiệu quả này nên có thời điểm nhà anh có đến cả trăm con hươu.
Đàn hươu được chăm sóc tốt, môi trường đảm bảo nên con nào con nấy béo khỏe, cho nhung đều, khách hàng khắp nơi đặt hàng. Ngẫm lại, anh cũng không ngờ từ ước mơ trở thành kỹ sư giờ lại là “lão nông” thực thụ. Quả là, cuộc sống nhiều điều thú vị.
Anh Tiệp tâm sự. Quê anh ở mãi huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), chuyển về Kim Phú sinh sống theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Ký ức quê nghèo ám ảnh khiến anh từng ngày nỗ lực và khi bén duyên với cô gái Thành Tuyên càng vun đắp trong anh khát vọng vươn tới cuộc sống mới không còn nghèo đói.
Anh càng trân quý cái nghề nông mình đã chọn, dẫu nghề này nhọc lắm, chăm bẵm đàn hươu như chăm “con mọn”, không thể thuê người làm thay được chỉ bởi phải hiểu được đặc tính của hươu, kỹ thuật lấy nhung thì quả là “bí truyền” không thể trao cho người nào cũng được.
Hươu ăn hầu hết các loại lá cây, cỏ, đến thời điểm hươu sinh sản, cho nhung vào mùa xuân anh lại bổ sung thêm thức ăn tinh bột ngô để hươu bật sức nhanh. Anh học được cách điều trị bệnh cho hươu, nhất là bệnh ký sinh trùng đường máu cho hươu, nhìn những biểu hiện của từng con là anh biết ngay “hắn” mắc bệnh gì để điều trị ngay.
Lộc nhung hươu
Nỗ lực đi “học khôn”, giờ đây cơ sở nuôi của anh Tiệp không chỉ dừng lại ở quy mô 200 m2  mà anh mở rộng lên hơn 1.000 m2 được quy hoạch thành khu nuôi hươu trưởng thành cho nhung, hươu sinh sản và hươu giống. Không chỉ tự sản xuất con giống, cơ sở của anh còn là địa chỉ tin cậy của giới nuôi hươu trong cả nước.
Các trại nuôi hươu ở khắp các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ,  Lai Châu, Yên Bái và thành phố Hà Nội ước chừng hơn 100 cơ sở đều nhập hươu giống của nhà anh Tiệp. Hiện tại, giá hươu giống dao động từ 15 - 25 triệu đồng/con.
Cây ngô, cỏ voi cho đàn hươu được anh Quan Văn Tiệp, tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được băm nhỏ bằng máy cắt.
Cây ngô, cỏ voi cho đàn hươu được anh Quan Văn Tiệp, tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được băm nhỏ bằng máy cắt.
Trung bình mỗi trại nuôi từ 6 đến hơn 60 con hươu, anh đều hướng dẫn tỷ mỷ cách dựng chuồng, bỏ nền bê tông để áp dụng đệm lót sinh học cho đến cách chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho hươu.  Anh cho biết, sau 2 năm tuổi, hươu bắt đầu cho thu nhung. Con trưởng thành từ 45 kg trở lên cho khai thác nhung ổn định, mỗi năm thu được trung bình từ 0,4 đến 0,9 kg nhung.
Với giá nhung hươu trên thị trường hiện nay khoảng từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm một con hươu cho thu nhập từ 10 đến 23 triệu đồng tiền lộc nhung. Chưa kể giá trị thịt thương phẩm, hiện nay anh Tiệp cung cấp thịt hươu cho các nhà hàng ở Việt Trì (Phú Thọ), Hà Nội, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hải Phòng với giá thịt hươu là 250.000 đồng/kg.
Hươu phải đạt trọng lượng từ 40 đến 50 kg/con anh mới xuất bán để đảm bảo chất lượng thịt cho các nhà hàng, đặc biệt phục vụ cho các khu du lịch như ở Tam Đảo. 
Mỗi năm, đàn hươu của gia đình anh cho thu hơn 500 triệu đồng. Điều này đã khiến các bạn trẻ khắp nơi trong cả nước tìm về học tập và mong muốn anh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hươu. Anh Tiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở chăn nuôi hươu trong tỉnh và các tỉnh lân cận cung cấp cho thị trường khi đảm bảo chất lượng.
Anh cũng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghệ và Dược phẩm Zorro, huyện Thường Tín (Hà Nội) để cung cấp nhung hươu số lượng lớn. Anh vừa cung cấp hơn 60 con hươu giống cho trại nuôi hươu của anh Phạm Văn Kiên, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Anh Kiên không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hươu mà tới đây sẽ được anh Tiệp bao tiêu sản phẩm thịt và nhung hươu ra thị trường.
Cũng như anh Kiên, anh Quan Văn Tuyền, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) là hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng được anh Tiệp hướng dẫn cách nuôi hươu, cuộc sống đã khá dần lên. Ban đầu anh mua 3 con giống giờ đàn đã phát triển lên 6 con. Đây là tiền đề để anh bứt phá làm giàu.
Năm 2018, anh Tiệp được Tỉnh đoàn Tuyên Quang trao giải ba trong Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang”; Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao giải Khuyến khích tại Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp 2018.
Anh Tiệp bảo, thành quả lớn nhất mà anh nhận được trong hành trình khởi nghiệp từ chăn nuôi hươu đó là sự ghi nhận của các bạn trẻ, khách hàng. Tiếng tăm anh lan đến mọi miền quê, trên mạng xã hội nhiều bạn bè anh cũng giới thiệu sản phẩm nhung hươu, hươu giống, vậy nên thị trường cứ rộng mãi ra.
Anh Quan Văn Tiệp khoe, đang chuẩn bị đồ nghề lên đường cung cấp hươu giống cho hai trại nuôi tại tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Tết nào anh cũng bận rộn với đám hươu, nhưng đó thực sự là niềm vui của người làm nghề. Yêu nghề, nghề để của cho, anh tâm niệm thế và không nề hà đến bất cứ nơi nào để chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật khai thác nhung và khi lộc nhung nở rộ thì hành trình khởi nghiệp đã đơm hoa.
Theo Thùy Linh (Báo Tuyên Quang/DânViệt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.