Hòa Sơn chuyện đất, chuyện người…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫu hôm nay trù phú, ấm no song ký ức về những tháng ngày vất vả, dãi dầm mưa nắng chưa nguôi ngoai trong tâm thức người dân Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Gần tròn 30 năm ấy là non nửa đời người, những con người quyết định từ giã quê hương tìm đến chốn “rừng thiêng nước độc” gầy dựng cơ đồ đã có thể mỉm cười, trở về cố hương mà không hổ thẹn…

Chuyện chưa xa…

Thửa khai hoang mở đất, Hòa Sơn (xã Ia Phang-huyện Chư Pưh) chào đón cư dân mới bằng những trận sốt rét vàng héo người và thử thách bằng cái khắc nghiệt của núi rừng Tây Nguyên. Và, đã chẳng thể đếm đong nổi những giọt mồ hôi, nước mắt của người Hòa Sơn cho xứ đất cằn sỏi đá này trong cuộc mưu sinh của những phận người xa xứ…

 

Với anh Quang, chiếc máy cày tay cải tiến xứng đáng coi là một kỷ vật... Ảnh: Lê Hòa
Với anh Quang, chiếc máy cày tay cải tiến xứng đáng coi là một kỷ vật... Ảnh: Lê Hòa

Gần 30 năm gắn bó với đất này, nay cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Nguyễn Thuần (thôn Hòa Sơn-xã Ia Phang) vẫn chẳng thể quên chuỗi ký ức về những ngày tháng đầy gian lao ấy. “Đoàn chúng tôi khi ấy có 8 hộ từ quê gốc Duy Xuyên-Quảng Nam theo nhau lên đây lập nghiệp. Nhà tôi có cả thảy 10 người, khi ấy tôi cũng sắp bước qua ngũ tuần. Đất quê quá khó, mọi người kéo nhau lên Tây Nguyên rộng lớn chỉ mong tìm được kế sinh nhai”.

Đất lạ, cả vùng đồi núi mênh mông hoang vắng không cùng. Trục đường 14 được thảm nhựa nhưng vẫn chỉ như một sợi chỉ nhỏ lọt thỏm giữa cây rừng rậm rạp. Suốt dọc từ trung tâm thị trấn Nhơn Hòa (ngày nay) kéo về Ia Phang chỉ toàn cây rừng, họa may mới có những nóc chòi rẫy của bà con người địa phương dựng lên bởi tập quán du canh dư cư. Làng ở xa tít dưới bóng đại ngàn bao phủ… Con người trở nên nhỏ bé, chỉ có ý chí và niềm tin vào một ngày mai ấm no làm hành tranh. “Hầu như ai cũng bị sốt rét rừng và đáng sợ nhất là những trận sốt rét ác tính. Đã có người nằm xuống đất sâu dù chưa được hưởng lộc đất xứ này. Bốn trong số 8 hộ đã rời đi nơi khác, đầu hàng trước thử thách”-ông Thuần, ngậm ngùi kể lại.

Và rồi từ khoảng những năm 1990 trở đi, phong trào kinh tế mới ngày một mạnh lên, người dân khắp nơi kéo đến mới xua dần hẻo lánh cho đất Hòa Sơn. Một trang mới bắt đầu…

 

Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở đất Hòa Sơn. Ảnh: Lê Hòa
Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở đất Hòa Sơn. Ảnh: Lê Hòa

Đất dữ hóa lành

Nằm liền mạch sống trên dải đất bazan màu mỡ của cao nguyên nhưng Hòa Sơn như một đứa con bị ghẻ lạnh. Đất đá trộn lẫn vào nhau như thách thức sức người. “Muốn ở phải có nước để ăn uống, sinh hoạt. Vậy nhưng Hòa Sơn là đất khó đến lạ. Cứ đào chừng vài mét là gặp đá. Tìm được nguồn nước giếng quá khó khăn và chẳng còn cách nào khác là lấy nhờ nước giọt của bà con bản địa. Nguồn nước tưới cho cây trồng đành nhờ ơn trời mưa gió phải thì…”-anh Nguyễn Văn Quang, con trai cụ Thuần, nối tiếp dòng ký ức của cha.

Chưa hết, đất Hòa Sơn “làm khó” người nông dân chẳng khác gì mụ dì ghẻ độc ác trong câu chuyện Tấm Cám, quyết trộn gạo và thóc cho Tấm nhặt… Cứ một phần đất lại xen thêm một phần đá, cuốc chưa tiếp đất đã chạm mặt với đá. Vậy nhưng, giữa cuộc chiến áo cơm và thử thách của tạo hóa, con người đã bước lên đài chiến thắng. Không thể dùng cuốc, người dân phát minh ra chiếc cày tay được cải tiến và lắp ráp từ việc tận dụng bánh xe đạp, lưỡi cày đất nhỏ… Chiếc lưỡi cày trở thành công cụ hữu hiệu lách đá, lật đất lập thành nơi gieo hạt giống. Bởi vậy, “đã xa biết bao năm, giờ làm nông hiện đại rất nhiều nhưng tôi vẫn giữ chiếc cày tay như một kỷ vật để nhắc nhở…”- anh Quang tiếp lời.

 

Tiêu là cây đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều người dân Hòa Sơn hôm nay. Ảnh: Lê Hòa
Tiêu là cây đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều người dân Hòa Sơn hôm nay. Ảnh: Lê Hòa

Theo lời người Hòa Sơn, bước đột phá đem đến đổi thay cho họ có lẽ là từ khoảng những năm 2000 khi cây bông vải, bắp lai về với người theo chủ trương của Nhà nước. Từ tập quán canh tác phó mặc tự nhiên, những yêu cầu khắt khe của loại cây mới đã đem đến cho người dân cơ hội tiếp cận với sản xuất nông nghiệp khoa học và hiện đại. Kèm theo đó, cây cà phê theo chân những cư dân mới từ Đak Lak chuyển qua, rồi tiếp đó là tiêu… được bà con đưa về trồng mở ra hướng đi mới với tiềm năng tươi sáng hơn. Tìm được lời giải cho bài toán phát triển bền vững, Hòa Sơn dần trở mình.

Người Hòa Sơn cần cù, chịu khó chẳng để cho đất nghỉ ngơi. Gần chục năm trở lại đây, cây bí đỏ lại tiếp nối đem lại nguồn lợi không nhỏ cho bà con. “Nhìn vầy nhưng tụi tui tính, chính cây bí đỏ mới là cây “siêu lợi nhuận”. Cứ 1 ha bí trung bình cho thu chừng 20 tấn, có lúc cao điểm giá bí nhập lên tới 8 ngàn đồng/kg. Vốn ít lại dễ làm, hỏi thử thứ nào hiệu quả hơn? Tuy bây giờ nhiều người trồng quá thành bão hòa rồi nhưng cũng vẫn khá lắm, thôn duy trì khoảng 100 ha bí đỏ mỗi năm bởi lợi nhuận rất khá”-anh Quang, tâm sự.

Từ 8 hộ ban đầu, nay Hòa Sơn đã có trên dưới trăm hộ. Có hộ thu nhập bạc tỷ mỗi năm như hộ ông Thuận, ông Bồn, ông Trung… Số còn lại, nhà thu nhập vài trăm triệu đồng và chí ít cũng vài chục triệu đồng/năm. Đáng quý, người xứ Quảng vốn hiếu học, con em Hòa Sơn cũng đã có 6 em tốt nghiệp Đại học, trong đó 2 người tiếp tục học lên thạc sĩ và 6 em đang là sinh viên của các trường đại học.

Đất khó nhưng chí bền, người Hòa Sơn hôm nay từ chỗ khốn khó đã làm nên kỳ tích.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm