Hoa cúc nhiễm bệnh, nhà vườn Đà Lạt lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều người trồng hoa cúc ở tỉnh Lâm Đồng đang lâm cảnh khốn khó khi phải nhổ bỏ hàng loạt do dịch bệnh.
Từ đầu năm 2019 đến nay, tại làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt), nơi nổi tiếng với hoa cúc, người trồng ngao ngán khi phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trị bệnh sọc thân đen trên cây nhưng không hiệu quả. Theo những người trồng, ở đây đang trong cao điểm phòng chống bệnh héo lá sọc thân đen, một loại bệnh phát sinh trong thời gian gần đây và trở thành dịch trên cây hoa cúc.
 
Cây hoa cúc tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang bị dịch bệnh sọc thân đen, người trồng phải nhổ bỏ. Ảnh: Đình Thi
Ông Lê Thanh Hà (phường 12) cho biết bình thường với 6 sào (mỗi sào 1.000 m2) trồng hoa cúc, gia đình ông thu được 80-100 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, vụ này, dịch bệnh gây thiệt hại hơn 60% nên dự kiến chỉ thu được 1/3, lỗ nặng. Còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch nhưng để tránh lây lan, buộc phải nhổ bỏ hàng loạt cây bị vàng lá, thân có sọc đen, chết rũ.
Trong khi đó, ông Vương Khắc Thế (45 tuổi, có vườn cạnh ông Hà) nhận định dịch bệnh trên cây hoa cúc có biểu hiện rất lạ, khó chữa trị. Nếu phát hiện kịp thời, phun thuốc BVTV, cây chỉ chững lại chứ không hết hẳn. "Bệnh này gây hại từ lúc mới trồng cho đến thu hoạch, khi nhiễm bệnh, cây bị suy nhược hẳn, thân cong queo, lá héo úa, hoa nhỏ không bán được" - ông Thế than thở.
Cũng theo ông Thế, nhiều nhà vườn ra sức bảo vệ cây bởi nếu không sẽ mất trắng. Tuy nhiên, dù đã phun nhiều loại thuốc BVTV nhưng vẫn không hiệu quả. "Để tránh bị mất trắng, chúng tôi nhổ bỏ những cây đang bị bệnh để tránh lây lan. Sau đó, dùng thuốc BVTV khống chế bệnh sọc thân đen với hy vọng giảm thiệt hại..." - ông Thế nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, nhận định: "Bệnh sọc thân đen trên hoa cúc đang phát thành dịch, không chỉ ở TP Đà Lạt mà còn lây lan ra các huyện lân cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... Riêng phường 12 có gần 100 ha canh tác cây hoa cúc nhưng có tới 40%-60% bị thiệt hại do dịch bệnh, người trồng lâm cảnh thua lỗ".
Đại diện Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt cho biết đã phát tờ rơi hướng dẫn tạm thời cách phòng trừ bệnh héo vàng sọc thân đang phổ biến tại các phường 7, 8, 9, 12 và xã Xuân Thọ, Xuân Trường...
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, ước tính thiệt hại về kinh tế do bệnh sọc thân đen gây hại trên cây hoa cúc lên đến khoảng 100 tỉ đồng. Tính đến nay, tổng diện tích hoa cúc của địa phương bị nhiễm bệnh là hơn 500 ha, chiếm hơn 40% diện tích trồng.
Dịch bệnh sọc thân đen trên cây hoa cúc là do một loại virus đốm héo cà chua TSWV (Tomato spotted wilt virus) gây hại, hiện chưa có thuốc đặc trị. Đây là dịch bệnh mới xuất hiện nhưng gây thiệt hại lớn. Trong khi chờ cơ quan chuyên môn, Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt đã khuyên người trồng nên nhổ và tiêu hủy cây bị nhiễm bệnh để tránh lây lan, không ươm giống cúc trên khu vực đã nhiễm bệnh, phun các loại phân bón lá có chứa canxi, magiê, sắt, kẽm...
 Đình Thi (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.