Hoa anh đào ở đâu đẹp hơn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người hỏi nhau đâu sẽ là địa điểm ngắm hoa anh đào tuyệt vời nhất? Quả là một câu hỏi khó trả lời dù rằng Nhật là quê hương của cây hoa anh đào.

 
 Hoa anh đào ở Nara, Nhật Bản -N.C.L.
Hoa anh đào ở Nara, Nhật Bản -N.C.L.



Khi nụ hoa anh đào bung cánh hàng năm, người Nhật và người Mỹ lại nô nức đi ngắm hoa với nhiều ý nghĩa và mong ước khác nhau.

Trong hành trình của mình năm nay, tôi may mắn được ngắm nhìn mùa hoa anh đào ở hai địa điểm nổi tiếng khác nhau mang lại cảm xúc đặc biệt, khó diễn tả thành lời...

Anh đào đâu còn là hoa 
của người Nhật

Hoa anh đào ngày nay được trồng khắp nơi trên thế giới khi những nụ hoa trắng hồng mềm mại đến mong manh trong gió trở thành một trong những loài hoa phát đi tín hiệu mùa xuân đang về.

Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới hay một ý niệm sâu xa hơn là một cuộc sống mới đang hình thành trong những nền văn hóa khác nhau trên quả địa cầu.

Với nhiều người, không gì hơn nếu được ngắm nhìn tận tường loài hoa ấy đang bung cánh ở Nhật - quê hương của cây hoa anh đào.

Câu chuyện nghe được từ anh bạn người Nhật Tsubota trong những ngày rong ruổi xứ Phù Tang về lễ hội hoa anh đào thật cuốn hút. Lễ hội hoa anh đào được mở màn bằng loạt trống oai hùng Taiko cùng vũ điệu đường phố truyền thống Yosakoi.

Ngày xưa người Jamon (là người Nhật ngày nay) chưa để ý nhiều đến những cây hoa anh đào hoang dại mọc sâu trong lòng thung lũng ở Hokkaido hay những ngọn núi cao để chọn làm biểu tượng mùa xuân cho quốc gia mình, mãi đến thời Heian (794-1185), người Jamon mới yêu thích những cánh hoa anh đào mong manh khi nhà thơ Ariwana (825-880) cho ra đời một bài thơ: “If Sakura does not exist, How quiet would it be. How calm could I have lived this season”, để rồi từ đó những cánh hoa anh đào đã đi vào thơ ca, nhạc kịch, hội họa, ẩm thực của xứ Phù Tang và nhà nước Heian đem hoa anh đào trồng khắp nơi trên những hòn đảo khác trong đất nước mặt trời mọc.


 

Hoa anh đào ở Washington D.C, Mỹ-Nam Tông
Hoa anh đào ở Washington D.C, Mỹ-Nam Tông



Trong tiếng Nhật, “Sakura” hay hoa anh đào hàm ý diễn tả nét đẹp thanh tao, nhưng chóng nở rồi chóng tàn, trong khi “Hanami” diễn đạt hàm ý đi ngắm hoa anh đào dưới bầu trời trong xanh.

Để hỏi về ý nghĩa hoa anh đào, anh bạn Tsubota không thể trả lời câu hỏi của tôi ngày ấy, nhưng Tsubota kể cho tôi nghe một câu chuyện truyền thuyết để tôn vinh những người Samurai thông qua những cánh hoa anh đào.

Vì yêu thích những cánh hoa anh đào hoang dã, Samurai vĩ đại Toyotomi Hideyoshi trồng xung quanh nhà 700 gốc hoa anh đào. Sáu tháng trước khi đi qua bên kia thế giới, vị Samurai tổ chức một lễ hội nho nhỏ dưới 700 gốc hoa anh đào với tên gọi “Daigo no Hanami - Ngắm hoa anh đào ở Daigo”.

Daigo là ngôi đền Phật giáo linh thiêng và lớn nhất ở kinh đô Kyoto lúc bấy giờ. Cụm từ “Daigo no Hanami” được vị Samurai sử dụng với hàm ý: Cầu xin các chư vị Bồ Tát bốn phương tám hướng hãy đưa linh hồn ông đến ngưỡng cửa niết bàn.

Kể từ đó, không chỉ là biểu tượng của nét đẹp trong trắng mong manh, hoa anh đào còn là biểu tượng của sự liêm khiết, chính trực và sống quân tử.


 

Hồn nhiên các cô gái Nhật-N.C.L.
Hồn nhiên các cô gái Nhật-N.C.L.



Người Nhật cho rằng lễ hội hoa anh đào có từ hơn 10.000 năm về trước khi những cánh hoa đi sâu vào nền văn học nghệ thuật trong thời Heian.

Tuy nhiên lễ hội hoa anh đào lúc ấy chỉ dành cho tầng lớp hoàng gia với ý nghĩa chính là cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đến thời Edo (1603 - 1868), lễ hội hoa anh đào mới thật sự phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Giữ nếp truyền thống của vị Samurai Toyotomi Hideyoshi đáng kính khi xưa, người Nhật ngày nay vẫn tụ tập dưới bóng cây anh đào để nói lời yêu thương khi đoàn tụ gia đình hay cũng là một cách để truyền cảm hứng hoặc chia sẻ những khó khăn gặp phải trong công việc, gia đình của một tập thể lao động nào đó để làm cho công ty ngày càng vững bền và phát triển hơn.

Được nghỉ 10 ngày xuân theo luật lao động, những người trẻ như anh Tsubota lại thích được đến vùng nước khoáng nóng Hakone tắm rửa, gột sạch những gì thuộc về quá khứ của năm cũ, có một tinh thần phấn chấn để làm việc trong năm mới.

Sau đó người người đến cố đô Kyoto ngắm nhìn những nét văn hóa truyền thống của người Nhật còn gìn giữ cho đến tận ngày nay dù thời gian đang bào mòn chúng. Hoa anh đào thường bung cánh đầu tiên trong màn đêm khá gần thời khắc giao thoa giữa cũ và mới của ngày.

Người Nhật xưa luôn chờ đợi để được ngắm nhìn khoảnh khắc thiêng liêng ấy, uống một ly sake nhỏ và cầu ước cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu và gia đình hạnh phúc.

Khi hoa anh đào lụi tàn dần, người Nhật lại thích ngồi dưới tán hoa mặc cho những cánh hoa mỏng tan theo gió bám đầy trên người, để một cốc rượu sake dưới gốc hứng những cánh hoa mịn màng cho đầy và uống cạn cốc rượu ấy cho thấm trọn tinh thần Samurai.

 

Hoa anh đào ở cố đô Kyoto, Nhật Bản-N.C.L.
Hoa anh đào ở cố đô Kyoto, Nhật Bản-N.C.L.



Và... sứ giả “Hòa Bình”

Cho một ít đồ dùng cần thiết vào túi xách nhỏ, tôi theo chân mọi người đến Washington D.C (Mỹ) ngắm nhìn hoa anh đào, rong chơi suốt đêm rồi hôm sau ngủ gà ngủ gật trên những chuyến xe buýt trở về.

Ngày nay, với 12 giống được lai tạo, hoa anh đào được trồng khắp cả nước Mỹ từ bờ Đông sang đến bờ Tây cùng với lễ hội được tổ chức mang tính địa phương khác nhau, nhưng có lẽ được ngắm hoa anh đào ở D.C là điều thích thú nhất khi đọc lại câu chuyện lịch sử, tìm thấy thông điệp hòa bình trên những cánh hoa.

Chuyện kể rằng vào năm 1910, chiếc tàu chở 2.000 gốc hoa anh đào từ Tokyo đã cập cảng nước Mỹ, nhưng do sự kiểm dịch quá nghiêm ngặt, 65% gốc hoa anh đào bị thiêu hủy, số còn lại được đem trồng ở Philadelphia trong khu vườn Sabaru.

Nhờ sự nỗ lực của nhà báo Eliza Scidmore chuyên về văn hóa Nhật, tiến sĩ nông nghiệp David Fairchild và thị trưởng Tokyo Yukio Ozaki, hai năm sau một chiếc tàu khác với 3.000 gốc hoa anh đào lại đến.

Những cây hoa anh đào được trồng ven bờ hồ Potomac kéo dài cho đến tháp Bút Chì sau hai ngày khi tàu cập bến.

Mất hơn 4 tiếng lái xe cho quãng đường 364km từ New York đến Washington D.C kịp mùa hoa anh đào, Jame - người bạn đồng hành - lại cho tôi một khái niệm khác về hoa anh đào khi chúng tôi ngồi trò chuyện dưới gốc hoa cạnh hồ Potomac.

“Sau Thế chiến II, cả Mỹ và Nhật đều mất mát đau thương. Hận thù chắc sẽ vẫn đeo đuổi dai dẳng nếu như không nhờ những cánh hoa anh đào mỏng manh nhưng quá quyến rũ này. Chúng chính là sứ giả hòa bình!” - Jame tâm sự.

Ngắm hoa anh đào tôi chợt mơ mộng: thế giới sẽ hòa bình biết bao nếu những gốc anh đào được đem đi trồng khắp nơi, trồng ở ngay chính những nơi xung đột đang nảy sinh! Ở đó hoa anh đào chắc sẽ đẹp hơn gấp bội lần.

Chín Li (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.