Hé lộ vũ khí duy nhất của Liên Xô từng được phóng vào vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Pháo tự động R-23M cỡ nòng 23mm được lắp đặt trên trạm vũ trụ quỹ đạo Salyut-3 (Almaz-2) của Liên Xô là vũ khí duy nhất từng được phóng vào vũ trụ.
Ấn phẩm The Drive của Mỹ cho hay, hơn 4 thập kỷ sau khi pháo tự động 23mm R-23M của Liên Xô trở thành vũ khí đầu tiên và duy nhất thực sự được phóng vào không gian, một bức ảnh mới về loại vũ khí bí mật này đã xuất hiện.
 
Pháo tự động R-23M của Liên Xô là vũ khí duy nhất từng được phóng vào vũ trụ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Pháo tự động R-23M của Liên Xô là vũ khí duy nhất từng được phóng vào vũ trụ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Bức ảnh đem đến cái nhìn rõ ràng nhất cho đến nay về toàn bộ hệ thống R-23M trang bị cho trạm vũ trụ quân sự Almaz OPS-2, vốn quay quanh trái đất trong khoảng 8 tháng từ năm 1974 đến năm 1975.
Tác giả người Nga Anatoly Zak - người cũng điều hành trang web RussianSpaceWeb.com - đã phát hiện ra hệ thống R-23M trong các hình ảnh Bộ Quốc phòng Nga công bố về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tới Hiệp hội Sản xuất và Khoa học chế tạo máy Reutov (NPO) vào đầu năm 2021.
NPO - ban đầu được gọi đơn giản là OKB-52, là một phòng thiết kế nổi tiếng nhất về phát triển tên lửa, rocket và tàu vũ trụ, bao gồm cả chương trình trạm không gian quân sự Almaz trong Chiến tranh Lạnh.
Ấn bản của Mỹ lưu ý rằng, với sự trợ giúp của pháo R-23M bí mật, được thiết kế dựa trên pháo tự động hàng không thuộc hệ thống của Aron Richter, Liên Xô đã lên kế hoạch bảo vệ Salyut-3 trong trường hợp bị tàu vũ trụ Mỹ tấn công.
Ấn phẩm viết, các cuộc thử nghiệm của R-23M trong không gian diễn ra cách đây 46 năm, vào ngày cuối cùng của trạm vũ trụ trên quỹ đạo gần trái đất. Không rõ chi tiết của các cuộc thử nghiệm. Tin cũng lưu ý rằng, để bù lại độ giật khi bắn đại bác, Salyut-3 đã sử dụng động cơ phản lực.
Sputnik cho hay, hồi tháng 2.2021, ông Oleg Korablov - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian (IKI) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) - nhớ lại rằng, vào những năm 2000-2010, một sứ mệnh Nga-Âu-Mỹ đã được bàn bạc để đưa trạm vũ trụ liên hành tinh Europa Jupiter System Mission đến Europa - một trong những vệ tinh của sao Mộc. Vị chuyên gia lưu ý, trong khuôn khổ dự án, phía Nga chịu trách nhiệm chế tạo trạm hạ cánh Laplace.
Nhà khoa học cho biết: “Chúng tôi đã dành nhiều năm cho dự án này, nhưng hóa ra không có cơ hội nào tạo ra tính năng chống bức xạ của các linh kiện điện tử mà chúng tôi có thể trông cậy được”.
 
Trạm không gian quân sự Almaz. Ảnh: Wiki
Trạm không gian quân sự Almaz. Ảnh: Wiki
Trong một diễn biến mới nhất, kênh truyền hình Zvezda đưa tin, Almaz - trạm không gian quân sự đầu tiên thời Liên Xô - vừa được bật lại ở Nga.
“Trước hết, chúng tôi bật bảng điều khiển. Chúng tôi thấy hiển thị điện áp trên bo mạch là bình thường, thấy rằng tất cả các chỉ số đều sáng lên. Màu xanh lá cây và màu xanh lam là chỉ số thông báo, màu cam là chỉ số cảnh báo, kèm theo tiếng bíp và màu đỏ chỉ trường hợp khẩn cấp" - ông Leonid Shelepin, nhà phát triển tự động hóa trên tàu của trạm quỹ đạo Almaz, giải thích.
Trong chuyến bay, hầu hết thời gian trạm di chuyển ở chế độ tự động theo chương trình đã đặt ra trên trái đất. Tuy nhiên, cũng có một chế độ điều khiển bằng tay, vào thời điểm lúc bấy giờ, thực sự là tính năng đổi mới. Trạm không gian với kích thước tương đối nhỏ có 34 động cơ, gồm 17 động cơ dự phòng và 17 động cơ chính.
 
Thiết kế trạm không gian Almaz. Ảnh: NASA
Thiết kế trạm không gian Almaz. Ảnh: NASA
Seri các trạm quỹ đạo Almaz được phát triển dưới sự lãnh đạo của nhà thiết kế Vladimir Chelomey vào những năm 1960 tại tổ hợp quân sự - công nghiệp Hiệp hội Khoa học và Sản xuất Cơ khí.
Thiết bị được tạo ra để tiến hành trinh sát bằng ảnh và vô tuyến, cũng như để điều khiển các phương tiện quân sự mặt đất từ ​​quỹ đạo trái đất. Dự án được bảo mật trong một thời gian dài, nhưng gần đây đã xuất hiện thông tin về trạm vũ trụ này như tờ The Drive của Mỹ đã tiết lộ.
KHÁNH MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm